Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ tư, 29/03/2023 07:03
TMO - Ninh Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng. Việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình liên doanh liên kết trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình liên kết sản xuất đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 3.358km2, trong đó hơn 83.736ha đất sản xuất nông nghiệp. Một số sản phẩm chủ lực của Ninh Thuận như lúa, nho, táo, mía, mì, bắp giống, hành, tỏi, nha đam, măng tây, dê, cừu, heo, vịt thịt... theo chuỗi giá trị được tổ chức liên kết chặt chẽ dưới nhiều hình thức; tiếp tục duy trì có hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao.
Việc triển khai xây dựng các chuỗi liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác giúp cây nha đam tại nhiều địa phương thuận lợi tiêu thụ. Ảnh: DQ.
Các sản phẩm nông - lâm - thủy sản tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tiến triển tốt, được tổ chức liên kết ngày càng chặt chẽ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: Hệ thống chợ, thương lái, hợp đồng thương mại hay hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở có sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng an toàn, chuỗi giá trị liên kết, sản phẩm OCOP... đã tham gia vào các siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác.
Theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận năm 2022, toàn tỉnh đã hình thành 68 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó duy trì 61 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ năm 2021 và phát triển thêm 7 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, đạt 100% so với kế hoạch. Thời gian qua, để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất; đến nay toàn tỉnh xây dựng được 31 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống với tổng diện tích trên 4.242 ha. Đồng thời, thực hiện 57 liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa, ngô giống, nho, măng tây, nha đam, tỏi, ớt, hành tím, đậu xanh, chanh dây, kiệu; liên kết sản xuất và tiêu thụ điều, mía và liên kết tiêu thụ sắn với tổng diện tích 14.267 ha. Bên cạnh đó, các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò với cơ sở giết mổ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng được quản lý. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia liên kết đã đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Trong năm 2022, toàn tỉnh có 12 hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã trong toàn tỉnh lên 107 hợp tác xã, với hơn 18.900 thành viên tham gia, vốn đăng ký trên 143 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm của 13 hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo lợi thế đáng kể cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn. Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã ước đạt 2,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2021.
Đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong số đó, tập trung xây dựng các vùng trọng điểm sản xuất cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Đồng thời, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nâng cao quy mô kinh tế trang trại để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, khuyến khích, có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp tăng cường hướng dẫn, tập huấn các hộ nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, đưa các mối liên kết trong sản xuất ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như tổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và hướng đến xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, hợp tác xã và các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập mới hợp tác xã, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển.
Nguyễn Thành
Bình luận