Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ hai, 30/05/2022 20:05
TMO - Phát huy những lợi thế của địa phương ven biển, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã huy động nguồn lực, ưu tiên phát triển một số ngành kinh tế biển. Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh kinh tế biển là một trong 5 trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Bạc Liêu có bờ biển dài với 4 cửa biển lớn, trong đó có khoảng hơn 20.000km2 vùng đặc quyền kinh tế biển và ngư trường rộng trên 40.000km2, trữ lượng hải sản lớn, khai thác quanh năm, thuận lợi để phát triển đánh bắt hải sản. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 140.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm lên tới 136.000ha.
Thời gian qua UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển Bạc Liêu thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nuôi tôm, tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến. Trong đó mục tiêu đến năm 2025, sản xuất 40-45 tỷ con giống, diện tích nuôi tôm thương phẩm đạt 147.000ha với sản lượng tôm nuôi đạt 249.000 tấn.
Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đến hết năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh đạt hơn 202.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt gần 166.000 tấn. Những năm gần đây, ngành tôm Bạc Liêu đang từng bước chuyển dịch cơ cấu theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đến thời điểm hiện tại, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất cả nước có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm (đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1).
Bạc Liêu được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Với bờ biển dài hơn 56km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, tốc độ gió bình quân gần 7m/s. Thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ...
Bạc Liêu khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Bạc Liêu chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 8 dự án điện gió ven biển với tổng công suất 469,2MW. Tổng sản lượng điện gió đạt 462,66 triệu KWh, giúp giảm phát thải khoảng 391.318 tấn CO2/năm, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh rất rõ ràng.
Trên địa bàn tỉnh có 8 dự án điện gió với tổng công suất là 469,2 MW (lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ ba trong cả nước; trong đó có 6 dự án điện gió trên biển (công suất 349,2 MW), 2 dự án điện gió trong đất liền (công suất 120MW)), sản lượng điện gió hàng năm khoảng 1,4 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 806.960 tấn CO2/năm, tăng thu ngân sách tỉnh hàng năm gần 300 tỷ đồng.
Thời gian qua, Bạc Liêu thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort cao cấp, đặc thù văn hóa sinh thái, ẩm thực địa phương, đặc biệt là các khu, điểm du lịch ven biển gắn với rừng, khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió dọc bờ biển.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng phát triển hạ tầng du lịch vườn nhãn để hình thành tuyến du lịch như nhà Công tử Bạc Liêu - Vườn Chim Bạc Liêu - Quán Âm Phật đài - Nhà máy điện gió - chùa Xiêm Cán - Giồng Nhãn; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng tuyến du lịch Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo.
Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm công nghiệp tôm cả nước; là trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí) và là trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2045, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển, phát triển bền vững, toàn diện kinh tế biển theo hướng hiện đại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh;…phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng và khu vực; đưa kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Bạc Liêu hoàn thiện hạ tầng nghề cá, đẩy mạnh khai thác thủy sản
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể; xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn đồng thời phát triển ổn định bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - rừng).
Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề hợp lý khai thác vùng lộng; tăng năng lực khai thác vùng khơi, ứng dụng công nghệ cao, phát triển số lượng tàu có công suất lớn, đánh bắt dài ngày và hoạt động trên các vùng biển sâu, biển xa; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đưa huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Thúy An
Bình luận