Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 17/01/2025 07:01
Thứ bảy, 08/04/2023 12:04
TMO - Trong những năm qua, ngành lúa gạo đặc biệt là tại vùng sản xuất lúa trọng điểm quốc gia như đồng bằng sông Cửu Long đã không ngừng phát triển với những chuyển biến tích cực trong tất cả các khâu từ sản xuất đến thương mại. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng lúa gạo những năm qua đã chú trọng nhiều về năng suất, chất lượng, thay đổi cơ cấu để đáp ứng thị trường xuất khẩu, chất lượng giống lúa ổn định. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn như quy mô nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, bộ giống lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Trong khi biến đổi khí hậu, mưa lũ, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp thì hệ thống quản lý, thông tin, dự báo thời tiết còn hạn chế. Chi phí đầu vào lớn, sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế... Nhằm phát triển ngành lúa gạo bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng và đang lấy ý kiến vào “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” (Đề án).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án này phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước về giữ vững vai trò lúa gạo làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia trong mọi tình huống; bảo vệ và sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, nếu sớm được Chính phủ phê duyệt thì Đề án sẽ triển khai từ năm 2024 tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới mục tiêu đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030, với sản lượng 13,0 triệu tấn lúa.
Mục tiêu đặt ra của Đề án là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đề án triển khai hướng đến nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, an ninh lương thực, đảm bảo đa mục tiêu trong tình hình mới gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm được lượng khí mê-tan (gây hiệu ứng khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra.
Tại các vùng chuyên canh, lượng lúa giống gieo sạ ở mức 70 kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm 30%, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 35%, lượng nước tưới giảm 25%. Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 85%, thất thoát sau thu hoạch dưới 7%, rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 90% . Lượng phát thải khí nhà kính giảm hơn 10%, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh; lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ổn định và đạt hơn 40% tổng doanh thu...
Theo dự kiến, Đề án sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4/2023 và được chính thức triển khai từ năm 2024. Để chủ động triển khai, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh thành ĐBSCL rà soát lai diện tích 184.000ha lúa nằm trong dự án VnSAT (một dự án lớn về lúa gạo ở ĐBSCL, do WB tài trợ) về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hợp tác xã, bao nhiêu diện tích đã có doanh nghiệp bao tiêu, bao nhiêu diện tích chưa bao tiêu và cần mời thêm doanh nghiệp tham gia… nhằm đưa toàn bộ diện tích này vào thực hiện sớm cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Sau đó, mở rộng thêm diện tích một cách phù hợp theo từng năm.
Tính đến nay, có 12/13 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia đề án với định hướng tới năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu hecta. Với lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, An Giang là địa phương tiên phong và tích cực tham gia xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện. Tỉnh còn đăng ký thành lập trung tâm sản xuất, phân phối lúa gạo của vùng ĐBSCL, thể hiện vai trò chủ lực trong xây dựng hệ sinh thái lúa gạo, nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân từ cây lúa. Địa phương này đăng ký tham gia 200.000ha sản xuất lúa chất lượng cao theo Đề án. Trong đó, 150.000ha lúa chất lượng cao, 30.000ha nếp chất lượng cao, 20.000ha lúa giống phục vụ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Thành phố Cần Thơ dự kiến đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 50.000 ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. Địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi khi tham gia đề án; đó là chuyển diện tích của dự án VnSAT đang được triển khai thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai với tổng diện tích là 34.000 ha. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh có 14.284 ha, huyện Cờ Đỏ có 9.716 ha, huyện Thới Lai tham gia với hơn 10.000 ha.
UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đăng ký với Bộ NN&PTNT về kế hoạch tham gia đề án. Theo đó, năm 2025, tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia 25.000 ha; đến năm 2030 đăng ký 200.000 ha diện tích trồng lúa chất lượng cao. Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cũng đã thống nhất với mục tiêu cũng như các nội dung thực hiện của đề án. Đồng thời, tỉnh đăng ký tham gia thực hiện đề án với quy mô 20.000 ha trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân...
Hà Trang
Bình luận