Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 21:11
Thứ năm, 31/08/2023 15:08
TMO - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nâng cao hình ảnh của VUSTA cần được chú trọng hơn để tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là giới trí thức và các đối tác trong và ngoài nước.
Quang cảnh hội thảo "Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Ngày 31/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam”. Tại hội thảo PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch VUSTA nêu rõ, hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện nay được đánh giá là lớn mạnh nhất, với 70 cơ quan báo chí. Tuy nhiên, việc truyền tải thông tin về VUSTA vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa phát huy được thế mạnh vốn có. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích củng cố lại công tác truyền thông, bàn các giải pháp để đưa những thông tin và hình ảnh chuẩn xác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến với công chúng.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội thảo.
Đề cập đến việc sử dụng truyền thông xã hội trong quảng bá hình ảnh tổ chức, PGS.TS, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đời sống truyền thông hiện đại ngày này, các cơ quan chức năng, nhà báo và các cơ quan báo chí phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình, trong đó có các tổ chức nghiên cứu khoa học… phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình bằng cách lập và xây dựng các diễn đàn hiệu quả, “nắn dòng” thông tin sai lệch, cung cấp các nguồn thông tin tích cực, chính thống, tạo sự tương tác, chia sẻ, lan tỏa kịp thời những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
PGS.TS, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh các cơ quan báo chí phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động.
Đề xuất giải pháp nhằm đưa hình ảnh của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến gần với công chúng và các tầng lớp nhân dân, nhà báo Nguyễn Thành Lợi nêu một số gợi ý, nhấn mạnh: Cần đa dạng hóa việc cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau trong một tác phẩm báo chí, ngoài việc đưa tin thông thường, nên áp dụng hình thức truyền thông đa dạng: Video ngắn, Podcast... Bên cạnh đó, tạo ra những diễn đàn, những kênh trên hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để tăng cường cung cấp thông tin, nhất là trong các hoạt động phản biện xã hội, phổ biến kiến thức.
Đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của VUSTA, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài Nguyên Môi Trường & Phát triển cộng đồng chia sẻ: Khoảng 90% cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội hoạt động cơ bản hiệu quả khi đưa được các chủ trương chính sách của Đảng, chính phủ & các kiến thức khoa học rất đa dạng , cần thiết đến với cộng đồng ,đem được tiếng nói chân chính của cộng đồng trong dó có tiếng nói của các nhà khoa học , của giới trí thức... đến với các cấp quản lý, đến với Chính phủ, Quốc Hội và Trung ương Đảng. Đó chính là hiệu quả của truyền thông trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ để vị thế và hình ảnh của VUSTA được nâng lên trong xã hội.
PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ quan điểm của bản thân về truyền thông đại chúng ứng dụng với hoạt động của VUSTA.
Tuy nhiên, với số lượng lớn như vậy thì vai trò của báo, nhà xuất bản cũng như các Tạp chí của VUSTA phải ở vị trí cao hơn, đóng góp nhiều hơn nhưng thực sự lại chưa xứng với tiềm năng. Để duy trì và đẩy mạnh nâng cao hơn nữa hình ảnh của Liên hiệp Hội, PGS.TS. Bùi Thị An đề nghị VUSTA với vai trò quản lý của mình nên xây dựng một Đề án: "Nâng cao chất lượng hệ thống truyền thông của VUSTA” để phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước từ nay đến 2030 trong đó nêu cụ thể nội dung, lộ trình, trách nhiệm cụ thể để khắc phục những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của công tác truyền thông cũng như hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là một giải pháp mang tính cốt lõi để nâng cao chất lượng truyền thông của Liên Hiệp hội và cũng chính là nâng cao hình ảnh của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
TS, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh VUSTA cần xây dựng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực về tổ chức...
Theo đánh giá của TS, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, VUSTA còn thiếu các kênh giao tiếp thích hợp và hiệu quả để truyền tải thông tin kịp thời và đầy đủ về các hoạt động quan trọng và những thành tựu, đóng góp vào sự sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước. Đông đảo công chúng, nhất là giới khoa học và trí thức trẻ chưa thực sự hiểu rõ về vai trò, hoạt động cũng như những công lao, đóng góp của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước trước đây cũng như hiện nay...
Để cải thiện thực trạng này, cần có một chiến lược toàn diện nhằm tăng cường uy tín và hình ảnh của VUSTA. Cần xây dựng và thực hiện một chiến dịch truyền thông chất lượng, tạo ra nội dung sáng tạo và thú vị để truyền tải thông điệp của VUSTA và tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi kiến thức một cách cởi mở, thân thiện và thú vị để thu hút sự tham gia của đông đảo thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, VUSTA cần xây dựng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực về tổ chức, đồng thời thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học, giới trí thức và các đối tác. Phát triển trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến; phối hợp với các hội thành viên, các cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp khoa học công nghệ tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, thu hút các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước trên các lĩnh vực khoa học công nghệ để giao lưu, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, phản biện chính sách công. Bên cạnh đó, phải tổ chức lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng khoa học và các đối tác, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh và cải tiến các hoạt động truyền thông trong thời gian tới...
Dương Phúc
Bình luận