Hotline: 0941068156
Thứ ba, 13/05/2025 14:05
Thứ ba, 13/05/2025 06:05
TMO - Tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát huy vai trò cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Thông qua các mô hình thiết thực và sự vào cuộc của chính quyền, ý thức giữ gìn môi trường sống đã lan tỏa sâu rộng trong từng buôn, làng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng. Thực hiện Luật BVMT, công tác BVMT ở nước ta nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) nói riêng thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian gần đây, người dân ở nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang đã có ý thức tham gia các hoạt động cải thiện cảnh quan, môi trường sống.
Đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Yang cho hay, toàn huyện có 78/80 thôn, làng, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao ý thức BVMT cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là tại các làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, phòng tích cực phối hợp với các cấp mặt trận, hội, đoàn thể trên địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền quy định về BVMT, hướng dẫn người dân thực hiện tốt phong trào “5 không 3 sạch”, phân loại rác thải tại nguồn và thành lập các Tổ Tự quản BVMT trong làng đồng bào DTTS.
Theo người dân làng Đăk Hlá-Tơ Drăh biết, trước đây, người dân trong làng vẫn còn hay vứt rác bừa bãi dẫn đến ô nhiễm. Cán bộ thôn bản phải trực tiếp chỉ đạo thôn tổ chức họp dân để bàn giải pháp huy động người dân tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh nhằm tạo môi trường sạch sẽ.
Qua đó, vận động người dân không vứt rác bừa bãi và hướng dẫn bà con cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Nhờ đó, cảnh quan môi trường của làng từng bước được cải thiện rõ rệt. Mới đây, làng còn thành lập Tổ Tự quản BVMT. Hiện các thành viên trong Tổ đang tập trung vận động người dân đào hố rác sau nhà, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, trồng thêm cây xanh dọc các tuyến đường.
Bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, thôn bản, tạo cảnh quan môi trường.
Đồng thời, đổi công xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Từ khi làng tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, đường làng ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp hẳn. Từ đó, người dân cũng tự giác thu gom rác thải để gìn giữ vệ sinh sạch sẽ. Tới đây, người dân cũng sẽ trồng thêm hoa để tạo sự tươi mới cho không gian chung của làng. Để có được cảnh quan xanh-sạch-đẹp như hôm nay, làng đã tổ chức rất nhiều đợt họp bàn.
Với 250 hộ dân, làng chia làm 4 tổ, trong đó, tổ trưởng là thành viên của Ban Nhân dân thôn. Mỗi tổ đào 1 hố rác chung. Tổ trưởng có trách nhiệm phối hợp với các cấp phụ nữ trên địa bàn hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại và xử lý rác thải thành 3 loại, trong đó, rác thải vô cơ đưa ra hố rác chung của làng, rác thải tái chế thì thu gom bán và rác thải hữu cơ thì ủ bón cho cây trồng.
Vào chiều chủ nhật, các tổ trưởng sẽ đến từng nhà để kiểm tra và nhắc nhở các hộ quét dọn sân vườn, nhà cửa, đoạn đường đi qua trước nhà sạch sẽ. Sau đó, tổ trưởng sẽ đi ra bãi rác để đốt các rác thải nhằm hạn chế rác tồn đọng nhiều gây ô nhiễm. Ngoài giải pháp trên, mỗi tháng 1 lần, làng huy động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường và các khu vực công cộng;
Riêng Chi đoàn phụ trách việc hỗ trợ người dân làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà ở, nạo vét cống rãnh. Ngoài ra, làng cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn hỗ trợ cây giống và hướng dẫn các hộ dân trồng và chăm sóc hoa giấy trước cổng của mỗi nhà để tạo cho làng một không gian tươi mới.
Nhờ triển khai thường xuyên các hoạt động trên, hiện nay người dân trong làng không còn vứt rác thải bừa bãi nữa và biết cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải ngay tại nguồn để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, 100% hộ chăn nuôi đều đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở và thực hiện nuôi nhốt để đảm bảo vệ sinh; hơn 80% các hộ có nhà tắm, nhà Người dân làng Đê Hrel chia sẻ, trước đây, các hộ dân thường nuôi nhốt bò ngay bên cạnh nhà nên ô nhiễm.
Chú trọng BVMT cũng như sức khoẻ, hiện nay nguồn nước sử dụng của người đồng bào DTTS cũng đảm bảo vệ sinh hơn.
Được Ban Nhân dân thôn vận động và người dân trong làng hỗ trợ ngày công, năm 2020, họ đã di dời chuồng nuôi bò ra xa nhà ở. Bên cạnh đó, các gia đình cũng đào hố xử lý rác thải và tích cực tham gia các buổi trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh tại các khu vực công cộng để góp phần làm đẹp cho làng.
Đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Yang thông tin thêm, mặc dù có nhiều thuận lợi tuy nhiên, do tỷ lệ hộ đồng bào DTTS cao nên một số hộ chưa có ý thức cao, còn vứt rác bừa bãi và không phân loại gây khó khăn cho việc thu gom xử lý rác thải. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên một số xã chưa được đầu tư bãi xử lý rác thải.
Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVMT, tích cực hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo về BVMT nhằm góp phần cải thiện cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
Đồng thời phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây ảnh hưởng đến môi trường như xả rác bừa bãi, chặt phá rừng, triệt hạ cây xanh, xả thải ra môi trường…để người dân chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sống hơn.
Việc nâng cao ý thức BVMT, cảnh quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng. Để giải quyết các vấn đề về môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đặc biệt trong nâng cao nhận thức về BVMT trong toàn dân nói chung và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Phát huy vai trò cộng đồng BVMT không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong sinh hoạt hằng ngày mà còn giúp hình thành các mô hình tự quản hiệu quả tại cơ sở. Từ việc giữ gìn vệ sinh thôn làng, phân loại rác thải đến bảo vệ rừng và nguồn nước, người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp. Đây cũng là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết hài hòa giữa BVMT và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.
Hà Trinh
Bình luận