Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 05:01
Thứ bảy, 27/08/2022 04:08
TMO - Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cũng như các nguồn nhân lực khác.... tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp thủy điện, chế biến sâu từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, toàn tỉnh có 104 công trình thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 3.544,7 MW. Trong đó có 64 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 3.088 MW, tổng mức đầu tư đăng ký 101.979 tỷ đồng…Lai Châu có 36 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, công suất lắp máy trên 2.600 MW. Hiện các nhà máy thủy điện đang đóng góp trên 50% nguồn thu của tỉnh.
Tỉnh Lai Châu khai thác hiệu quả lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp thủy điện
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển là công nghiệp chế biến, trong đó đẩy mạnh chế biến mặt hàng chè. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.800 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 6.931 ha, sản lượng từ đầu năm đến nay khoảng 32.500 tấn, đạt 67,7% kế hoạch. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 92 cơ sở chế biến chè, trong đó có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên. Đến nay, các sản phẩm chè của Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ… Ngoài việc xuất khẩu, các công ty, doanh nghiệp sản xuất chè cũng đang hướng đến kênh nội địa như đưa vào các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước.
Những năm qua địa phương này cũng đẩy mạnh chế biến cao su và mắc ca. Toàn tỉnh đã trồng hơn 5.400 ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ. Năm 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện trồng mới khoảng 1.000 ha cây mắc ca tại các huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô đạt khoảng 35.000 ha vào năm 2030 và khoảng 80.000 ha vào năm 2050.
Hiện Lai Châu đang có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến mắc ca tiêu thụ khá ổn định. Năm 2021, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án xây dựng nhà máy chế biến tại xã Mường So (huyện Phong Thổ) và xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đảm bảo mắc ca được chế biến tại chỗ, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được cung cấp ra thị trường. Với cây cao su hiện địa phương có 12.000 ha, dù sản lượng mủ chủ yếu chuyển về các nhà máy ở địa phương khác nhưng thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy mạnh thu hút để có nhà máy quy mô tại địa phương…
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu vừa qua tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân hàng; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Cụ thể, về phát triển công nghiệp, thời gian tới tỉnh Lai Châu định đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng của tỉnh. Đẩy nhanh phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, phấn đấu nâng tổng công suất lắp máy các dự án điện đạt trên 3.200 MW, hoàn thành hệ thống lưới điện truyền tải cao thế 220 KV, 110 KV.
Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh chế biến chè, cung ứng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu
Cùng với thủy điện thì lĩnh vực chế biến khoáng sản, đất hiếm cũng sẽ được quan tâm. Việc phát triển công nghiệp sẽ gắn liền với phát triển thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tới đây khi Cửa khẩu Ma Lù Thàng chính thức công bố trở thành của khẩu quốc tế, giao thương sẽ có những thuận lợi.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục rà soát các quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sát với tình hình thực tiễn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ngành, dự án công nghiệp đã quy hoạch, lĩnh vực có lợi thế.
Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Lai Châu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 6-7%/năm; cơ cấu nền kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ và thuế nhập khẩu: 10% - 50% - 40%; GRDP bình quân đầu người 65 triệu đồng/năm.
Tỉnh sẽ tập trung vào 4 ngành công nghiệp chính có tiềm năng, lợi thế và chuyển dịch theo hướng tiếp tục phát triển: công nghiệp; công nghiệp khai thác chế biến sâu khoáng sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chế biến thức ăn gia súc...
Hoàng Trang
Bình luận