Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ ba, 21/03/2023 12:03
TMO - Nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao, hiện nay tại các xã Quảng Xuân và Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tận dụng đất cát ven biển nuôi loài ốc hương tạo ra một hướng đi mới mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ốc hương có tên khoa học Babylonia areolate, là một loài động vật thân mềm, sinh sống chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới. Ở Việt Nam ốc hương sinh sống chủ yếu ở biển miền Trung rải rác dọc ven biển từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực phân bố chính thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những năm trở lại đây, với giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, một số địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích vùng nuôi ốc hương.
Mô hình nuôi ốc hương góp phần nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch.
Đến tham quan mô hình nuôi ốc hương của hộ gia đình anh Phạm Văn Nghĩa tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, theo chia sẻ của hộ sản xuất này thì ốc hương là loài vua của ốc biển nên việc nuôi loài ốc này phụ thuộc vào nguồn nước biển. Chất lượng nước trong hồ phải sạch, không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước sinh hoạt và nước ngọt vào mùa mưa.
Việc nuôi ốc hương trên cát là mô hình mới, đặc biệt thời tiết tại Quảng Bình nắng mưa thất thường, nhiệt độ thay đổi, khiến loài ốc gặp phải hiện tượng sốc nhiệt, nếu không được xử lý kịp thời ốc sẽ chết gây thiệt hại cho người nuôi. Nhưng nếu không mạnh dạn làm thì không thể làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra đầy cát và nắng.
Ngoài ra, độ sâu hồ nuôi phù hợp để nuôi ốc hương phải từ 0,8-1,5m nước trở lên. Quá trình nuôi ốc nên sử dụng thức ăn tươi và phải quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hằng ngày, không để bị thừa. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra với toàn bộ thức ăn thừa như xác cá, tôm…tránh ô nhiễm nguồn nước. Ốc hương rất ít khi xảy ra dịch bệnh, nhưng người nuôi cần chú ý thay nước mỗi ngày. Thời gian cho ăn khoảng 2 ngày một một lần. Còn mùa lạnh, ốc ăn ít, có thể giãn thời gian 3-4 ngày.
Vốn đầu tư ban đầu để nuôi ốc hương là khá lớn nhưng đây là đối tượng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, người nuôi loài ốc này chỉ trong vòng 6-8 tháng thì ốc hương có thể đạt trọng lượng 90-120 con/kg, giá bán cũng rất cao, dao động theo thị trường khoảng 250-350 nghìn đồng/kg. Với 5 hồ nuôi (diện tích 1 hồ khoảng hơn 300m2) 1 vụ/năm gia đình anh Nghĩa thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và trả nhân cho 5 nhân công bình quân mỗi người 6 triệu đồng/tháng.
Được biết, mô hình nuôi ốc hương của hộ gia đình anh Phạm Văn Nghĩa cùng với 5 hộ dân khác tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Từ mô hình này, sẽ mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng trong nuôi trồng thuỷ sản của địa phương, nhằm hạn chế trình trạng khai thác ốc hương có trong tự nhiên góp phần chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Bình, trên thị trường hiện nay, nhu cầu về ốc hương rất lớn vì loại ốc này có chất lượng thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá thì ốc hương là đối tượng nuôi mới, góp phần đa dạng đối tượng, hình thức nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nguyễn Hoàng
Bình luận