Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Chủ nhật, 09/10/2022 03:10
TMO - Triển khai thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca đến năm 2030 đạt 4.000 ha (trồng thuần 1.000 ha, trồng xen 3.000 ha).
Theo đó, để chương trình phát triển mắc ca trở thành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững; góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, trong Kế hoạch thực hiện phát triển Mắc ca giai đoạn năm 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hướng tới triển khai hiệu quả các mục tiêu:
Phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tỉnh đến năm 2030 đạt 4.000ha (trồng thuần 1.000 ha, trồng xen 3.000ha); trong đó, tính đến tháng 7 năm 2021 diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt 2.000ha và kế hoạch trồng mới mắc ca giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh phấn đấu trồng mới 2.000 ha, triển khai thuộc địa bàn 07 đơn vị hành chính gồm: huyện Krông Năng, huyện Ea H’leo, huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar, huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột.
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2030 vùng nguyên liệu mắc ca đạt 4.000 ha. Ảnh: Đinh Nga
Việc rà soát quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tập trung thực hiện theo thứ tự ưu tiên ở các địa bàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân vùng rất thích hợp gồm huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột và sau đó đến các vùng thuộc huyện Ea H’leo, huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar và huyện Ea Kar.
Về phát triển cơ sở chế biến: Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở dự đoán sản lượng thực tế, tập trung việc nâng cấp 15 cơ sở chế biến hiện có với công suất mỗi cơ sở từ 100-200 tấn hạt tươi/năm. Sau năm 2030, tỉnh rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu theo đơn vị hành chính.
Để phát triển bền vững cây mắc ca, tỉnh Đắk Lắk tập trung rà soát quỹ đất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca, quy hoạch của tỉnh thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn để phát triển bền vững cây mắc ca tại địa phương.
Trong đó, rà soát bố trí quỹ đất quy hoạch là rừng sản xuất để phát triển theo phương thức trồng thuần loài và trồng xen mắc ca với các loài cây trồng khác trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống quy hoạch phát triển rừng phòng hộ theo quy mô và địa điểm cụ thể, phù hợp phát triển vùng nguyên liệu mắc ca. Cụ thể, địa phương này đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây mắc ca với những quy định về điều kiện khí hậu, đất đai và địa hình vùng gây trồng cây mắc ca.
Chế biến mắc ca cần gắn với vùng trồng nguyên liệu nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả. Ảnh: NG
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững mắc ca theo diện tích và định hướng vùng trồng cây mắc ca theo Kế hoạch, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu. Phối hợp các cơ quan Trung ương tiếp nhận và triển khai một một số nhiệm vụ về chuyển giao giống quy trình, công nghệ chế biến và nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm đáp ứng số lượng và chất lượng giống thực hiện hiệu quả Đề án.
Để có vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất mắc ca ổn định và lâu dài, tỉnh chú thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc ca về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cho hợp tác xã, gắn kết các hộ dân trong phát triển sản xuất mắc ca, hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca.
Về thị trường tiêu thụ: Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.
Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.
Thanh Tùng
Bình luận