Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ ba, 27/12/2022 02:12
TMO - Trong năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Tiếp tục rà soát, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đến công tác tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên, Tỉnh Đoàn Sơn La đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 100 cán bộ đoàn, gồm bí thư, phó bí thư, chuyên viên các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh để có thêm kiến thức về công tác tuyên truyền giảm nghèo ở địa phương.
Mô hình vườn cây ăn quả của cựu chiến binh xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Với những cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện, Sơn La đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, tạo thêm việc làm tại chỗ ổn định, thu nhập bền vững cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi giúp nông dân thoát nghèo ở Nậm Giôn, huyện Mường La.
Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, Sơn La đặc biệt quan tâm đến việc khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tham gia các hợp tác xã để được hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển kinh tế rừng, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để phát triển rừng bền vững. Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo; bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo 4-5%/năm; có 1 đến 2 huyện thoát nghèo.
Hương Việt
Bình luận