Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ sáu, 31/05/2024 05:05
TMO - Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cho biết sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Papua New Guinea, hiện nay nguồn nước đã bị ô nhiễm, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc cảnh báo những người sống sót sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Papua New Guinea đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, trong khi nguồn cung ứng thực phẩm và nước sạch hạn chế.
Thảm họa xảy ra tại làng Kaokalam, thị trấn Porgera thuộc tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600km về phía Tây Bắc. Thời điểm lở đất vào khoảng 3h sáng 24/5 (giờ địa phương), khi nhiều dân làng đang ngủ. Một phần đất đá của núi Mungalo đã đổ sụp, vùi lấp nhiều ngôi nhà. Một cộng đồng dân cư sinh sống ở sườn núi đã bị chôn vùi dưới đất, đá trong trận sạt lở.
Papua New Guinea đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau thảm họa lở đất.
IOM cho biết hiện nay nguồn nước đã bị ô nhiễm, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Cơ quan này lưu ý chưa có phương pháp nào được triển khai để xử lý nước ô nhiễm, đồng thời cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tiêu chảy và sốt rét. IOM nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là cung cấp nước sạch, viên lọc nước và thực phẩm cho khu vực bị sạt lở đất. Cơ quan này cảnh báo việc thiếu thông tin chính xác và kịp thời về các khu vực và dân số bị ảnh hưởng đang cản trở nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo hiệu quả.
Trong suốt tuần qua, cư dân ở Yambeli và Lapak đã đào vô số tấn đất để tìm kiếm người thân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Các quan chức địa phương cho biết đã tìm thấy khoảng 6 đến 11 thi thể nạn nhân. Thủ tướng Papua New Guinea James Marape ước tính khoảng 2.000 người thiệt mạng trong thảm họa vừa qua, theo đó, sự kiện này có thể trở thành một trong những vụ lở đất nghiêm trọng nhất trong những năm qua.
Mạnh Cường
Bình luận