Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 23/07/2023 06:07
TMO - Tận dụng diện tích rừng ngập mặn tại địa phương, nhiều hộ dân tại huyện ven biển Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã phát triển, ổn định sinh kế dưới tán rừng bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng, tiến tới hình thành điểm du lịch sinh thái.
Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng hơn 1.780ha, tập trung tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông, Đại Ân 1… Để bảo vệ rừng hiệu quả, hạn chế các trường hợp chặt phá cây rừng và ngăn chặn việc săn bắt các loài thủy, hải sản sinh sống dưới tán rừng, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung đã thành lập nhiều tổ trồng, bảo vệ rừng và các nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng như ốc len, vọp…
Được sự hỗ trợ từ dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), năm 2019, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) triển khai thực hiện tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung (TDA 7) với mức đầu tư hơn 940 tỷ đồng.
Dự án có các hạng mục nâng cấp đê biển, xây dựng mới 2 tuyến đê Cồn Tròn và Bến Bạ, cải tạo xây dựng mới hệ thống điện… Với các mô hình sinh kế, ngoài hỗ trợ mô hình trồng cây ăn trái chịu hạn, mặn, TDA 7 cũng hỗ trợ khai thác giá trị từ vùng rừng ngập mặn phòng hộ của địa phương để giúp bà con nông dân Cù Lao Dung tăng thêm thu nhập.
Các loài vọp, ốc len phát triển ổn định dưới tán rừng ngập mặn, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Ảnh: TL.
Mô hình phát triển sinh kế, nuôi vọp kết hợp ốc len được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện trên địa bàn 2 xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam (Cù Lao Dung). Mỗi hộ dân khi tham gia sẽ được giao quản lý và khai thác 2.000 m2 diện tích rừng, đồng thời được hỗ trợ con giống gồm vọp và ốc len để thả nuôi.
Cụ thể, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 70% chi phí con giống bao gồm 840kg vọp và ốc len 161 kg. Thực tế sản xuất mô hình tại các địa phương trên địa bàn huyện Cù Lao Dung cho thấy, sau 4 tháng nuôi các hộ dân thu hoạch với những lứa ốc đầu tiên. Với giá vọp từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, ốc len dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg, thu nhập cao hơn so với trồng cây mía cho thu nhập bấp bênh trước đây.
Theo các hộ dân tại xã An Thạch Nam, với diện tích 2.000m2 triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, các hộ dân được chính quyền địa phương hỗ trợ 1.200kg vọp, 320kg ốc. Mỗi hộ chỉ cần bỏ ra 30% vốn đối ứng, phần còn lại do dự án hỗ trợ. Việc mở rộng nuôi thủy sản ở đây rất phù hợp với lượng phù sa lớn, rất thích hợp cho vọp và ốc sinh sống.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ốc len và vọp rất dễ nuôi, không tốn công chăm sóc, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu. Mô hình nuôi vọp, ốc len kết hợp dưới tán rừng ngập mặn tại các hộ nuôi cho tỷ lệ sống khoảng 80% tại các vị trí nuôi có chất bùn nhão, có thủy triều lên xuống thường xuyên, thức ăn tự nhiên dồi dào, vọp và ốc len tăng trưởng tương đối tốt nên tỷ lệ sống cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai mô hình sinh kế nuôi vọp kết hợp ốc len, tận dụng công nhàn rỗi, tạo thêm thu nhập cho người dân sống vùng ven bờ biển, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình tham gia mô hình sinh kế, không có đất hoặc ít đất sản xuất, sinh sống bằng nghề trồng rừng, khai thác thủy sản nhỏ lẻ... Thông qua hiệu quả kinh tế của mô hình hộ dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở bãi bồi trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, đồng thời phát triển mô hình sinh kế cho ngư dân vùng ven biển, nhằm giải quyết việc làm cho cộng đồng cư dân, phát triển kinh tế của địa phương.
Mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại Cù Lao Dung, tạo cơ hội phát triển các điểm du lịch sinh thái.
Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi (CPO Thuỷ lợi), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt không ít thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sinh kế của nhiều người dân vùng sông nước cũng đang bị đe doạ.
Để tìm giải pháp và tăng cường thêm các nguồn lực cho ĐBSCL, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB11). Dự án WB 11 hướng mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động. Dự án WB 11 dự kiến sẽ có 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiến Hải
Bình luận