Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ hai, 11/12/2023 07:12
TMO - Tận dụng điều kiện tự nhiên với dòng sông Hồng, sông Luộc chảy qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, khai thác hiệu quả lợi thế đồng thời góp phần nâng cao thu nhập.
Tỉnh Hưng Yên có hệ sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn 6 huyện, thành phố với chiều dài 90 km, đây là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển thủy sản. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 5.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh chiếm 99% diện tích. Sản lượng thủy sản hằng năm đạt trên 50 nghìn tấn. Các hình thức nuôi công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến như: nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông được đẩy mạnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 450 lồng nuôi cá với năng suất đạt 4 - 6 tấn/lồng/chu kỳ nuôi, đem lại lợi nhuận 30 - 50 triệu đồng/lồng/chu kỳ nuôi, người nuôi có thể thâm canh từ 1 đến 2 chu kỳ nuôi tùy thuộc từng loại cá, giống nhập ban đầu. Cá nuôi khá đa dạng như: chép, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, trắm đen, lăng, ngạnh…
Mô hình nuôi cá rô phi trong lồng bè tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên). Ảnh: ĐB.
Tận dụng diện tích mặt nước từ năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng dự án phát triển nghề nuôi cá lồng hướng đến mục tiêu giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Những hộ tham gia Dự án được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng bệnh, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá để đánh giá hiệu quả của Dự án. Dự án hỗ trợ giống, vốn nuôi cá lồng cho các tổ chức, hộ nuôi giai đoạn 2019 - 2021 là 189 lồng cá với kinh phí 15 triệu đồng/lồng.
Nghề nuôi cá lồng tại Hưng Yên tập trung ở một số xã, phường ven sông như: Xã Tân Hưng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên); xã Mai Động, xã Đức Hợp huyện (Kim Động)… Trên địa bàn xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), từ năm 2019 Phòng NN&PTNT thành phố đã hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật ban đầu là 15 triệu đồng/lồng cho HTX trên địa bàn. Theo đó, HTX đầu tư 60 lồng nuôi với diện tích 54m2 nuôi các loại như: cá chép, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, lăng, ngạnh…,được nhập từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản. Mỗi chu kỳ cá tùy thuộc vào từng loại và tùy thuộc vào giống nhập ban đầu, trung bình khoảng 15 tháng/lứa, mỗi lồng có thể nuôi 9 - 10 tấn, cho lãi từ 70 đến 80 triệu đồng/lồng. Thị trường tiêu thụ được thương lái các tỉnh về thu mua tận nơi.
Để phát triển nuôi thả thủy sản theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao và bền vững, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025” với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi thả thủy sản đạt 6.100 héc-ta, sản lượng đạt 65 nghìn tấn. Cụ thể hóa đề án, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng các mô hình trình diễn như: Nuôi cá chép lai V1 theo hướng VietGAP, nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao, nuôi cá trắm cỏ trong lồng; ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi thả thủy sản…Thành công của các dự án, mô hình khuyến nông đã có sức thuyết phục, lan tỏa và được nông dân áp dụng hiệu quả.
Các hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè chú trọng sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế tác động tới môi trường.
Nhằm tiếp tục khai thác có hiệu quả những lợi thế trên, từ tháng 5/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình nuôi cá rô phi trong lồng bè. Mô hình có quy mô 750m3, số điểm trình diễn 3 điểm với 6 hộ tham gia; thời gian triển khai mô hình 7 tháng; số lượng cá giống rô phi đơn tính đực 75.000 con, kích cỡ trên 6 cm/con; kinh phí thực hiện mô hình hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng, còn lại nông dân đối ứng.
Triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hỗ trợ 50% giá mua cá rô phi giống; 45% giá mua thức ăn, tương ứng hơn 34 tấn. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức tập huấn cho nông dân về đặc điểm sinh học của cá rô phi, thiết kế hệ thống lồng nuôi, lựa chọn địa điểm nuôi; kỹ thuật chọn, thả cá giống; chăm sóc đàn cá và quản lý lồng nuôi; phòng, trị bệnh... Sau 5 tháng nuôi, mô hình đã thực hiện đạt nhiều kết quả, cá phát triển tốt. Dự kiến cho năng suất cao, tỷ lệ cá sống đến khi kết thúc mô hình đạt 81,14%, cỡ cá bình quân 997 gam/con. Ước tính cho thu lãi 50 triệu đồng/100m3/4 tháng nuôi. Do cỡ cá khi kết thúc mô hình chưa đạt kích cỡ thương phẩm loại 1 (trên 1,5kg/con) nên Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề nghị các hộ tiếp tục nuôi để đạt kết quả và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các địa phương, nghề nuôi cá lồng hiện nay cũng gặp những khó khăn như việc quy hoạch còn thiếu đồng bộ, vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá và chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá sản phẩm không ổn định...
Để nghề nuôi cá lồng mang lai hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, hạn chế số lồng vượt quá quy hoạch. Bên cạnh đó tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm; tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP; tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản như cá lăng, chép giòn, trắm giòn, trắm đen…
Vân Anh
Bình luận