Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ năm, 01/09/2022 05:09
TMO - Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) vừa công bố dữ liệu về tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng bất chấp những nỗ lực cắt giảm nguồn khí thải tại các quốc gia.
Theo báo cáo của NOAA về "Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021", nồng độ khí nhà kính ở mức 414,7 ppm, tăng 2,3 ppm so với năm 2020. Đây là mức cao nhất trong ít nhất 1 triệu năm qua dựa trên các dữ liệu về cổ sinh vật học.
Báo cáo cung cấp thêm bằng chứng khoa học thuyết phục về việc biến đổi khí hậu đang gây ra tác động trên toàn cầu và không có dấu hiệu chậm lại. Nồng độ khí nhà kính gia tăng kể cả khi lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch đã giảm vào năm 2020 trong bối cảnh hầu hết các hoạt động kinh tế trên toàn cầu đình trệ do đại dịch Covid-19.
Tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng bất chấp những nỗ lực cắt giảm nguồn khí thải tại các quốc gia.
Mực nước biển trên toàn cầu đã tăng trong năm thứ 10 liên tiếp, đạt mức kỷ lục mới là 97 mm so với mức trung bình vào năm 1993 khi các vệ tinh bắt đầu đo đạc. Năm 2021 là một trong số 6 năm nóng nhất được ghi nhận kể từ giữa thế kỷ 19, trong khi tất cả 7 năm qua đều là những năm nóng nhất được ghi nhận. Số lượng các cơn bão nhiệt đới trong năm ngoái cũng cao hơn mức trung bình, trong đó có bão Rai xảy ra ở Philippines vào tháng 12 khiến gần 400 người thiệt mạng.
Trước đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp. Ngoài ra, mực nước biển đã tăng 4,5 cm trong thập kỷ qua.
Các khối nước hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt tích lũy của Trái đất và 23% lượng khí carbon dioxide thải ra từ hoạt động của con người. Đại dương cũng có nồng độ axit cao nhất trong ít nhất 26.000 năm vì nó hấp thụ và phản ứng với nhiều carbon dioxide hơn trong khí quyển. WMO cũng liệt kê từng đợt nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác trên khắp thế giới, ghi nhận các báo cáo về thiệt hại hơn 100 tỷ USD.
Phan An
Bình luận