Hotline: 0941068156
Thứ tư, 13/11/2024 06:11
Thứ bảy, 26/10/2024 06:10
TMO - Cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang đang quan tâm đầu tư, cải tạo và tập trung xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết khiến việc ra quả trái mùa của cây sầu riêng không đạt được năng suất như kỳ vọng.
Có giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang người dân chuyển đổi đất sản xuất sang trồng sầu riêng nhiều. Nhất là sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có lúc giá sầu riêng tăng trên 200.000 đ/kg, hiện tại đang có giá 60.000-70.000 đ/kg.
Đáng chú ý, những năm gần đây, nông dân Tiền Giang đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng cho ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng “Được mùa, mất giá”, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt khiến việc xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Thông tin từ một hộ gia đình trồng sầu riêng tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hộ gia đình trồng 1,2ha sầu riêng được 13 năm tuổi. Trong vụ này cũng tiến hành các bước kỹ thuật để xử lý ra hoa nghịch vụ. Tuy vậy, sau khi rút cạn nước trong vườn, tiến hành đậy mủ ni-lông chung quanh gốc một thời gian thì cây không ra hoa, một số cây bung nụ nhưng rất ít.
Trước thực trạng này, người dân đã bỏ mủ đậy gốc và xử lý thêm một lần nữa. Tuy nhiên, cây cũng không ra hoa. Theo nhận định của nông dân, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong trồng sầu riêng, tuy nhiên, thời điểm chuẩn bị cũng như trong quá trình xử lý cho sầu riêng ra hoa trái vụ đã gặp mưa lớn liên tục và có những cơn mưa kéo dài. Mặc dù, gia đình đã làm đúng các bước nhưng cây vẫn không ra hoa hoặc có ra cũng rụng hết.
Tại các xã phía bắc Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Tiền Giang, nông dân trồng sầu riêng xử lý ra trái nghịch vụ cũng rất khó khăn. Còn tại huyện Cai Lậy, thông thường nông dân trồng sầu riêng xử lý nghịch vụ thường tập trung vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Khi đó, nhà vườn tiến hành vệ sinh gốc, điều tiết nước cạn trong mương, dùng màng ni-lông phủ kín gốc; phun thuốc kích thích vào thân và khoảng một tháng sau cây sẽ ra hoa.
Do thời tiết bất lợi khiến việc chăm sóc sầu riêng ra hoa nghịch vụ của người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ).
Sau hai tháng sầu riêng xổ nhụy, tiến hành thụ phấn nhân tạo bằng cách dùng chổi ni-lông quét vào bông nở lúc chiều tối nhằm giúp trái phát triển tròn, đều. Sau đó, nông dân tiến hành tỉa bỏ bớt trái xấu để cây mang trái vừa đủ, chống cây suy và cho trái to. Khoảng tháng 12 trong năm đến tháng 2 năm sau, sầu riêng cho thu hoạch. Tuy nhiên ở thời điểm này cũng rất khó để canh tác được sầu riêng ra hoa nghịch vụ.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có khoảng 22.000ha sầu riêng, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 15.000ha, sản lượng gần 400.000 tấn/năm và tập trung chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy. Diện tích xử lý cho trái nghịch vụ chiếm khoảng 50-70%.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, xử lý sầu riêng nghịch vụ rất khó. Nông dân có nhiều kinh nghiệm và đầu tư đúng mức cũng phải phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ một cơn gió thổi qua, sầu riêng cũng bị ảnh hưởng.
Đại diện Viện Cây ăn quả miền nam, một chuyên gia về cây sầu riêng cho biết, hiện nay, ngành chuyên môn chưa có một công trình nghiên cứu nào về xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây sầu riêng. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc với rất nhiều nông dân thì xử lý ra hoa nghịch vụ đạt hiệu quả cao trên cây sầu riêng thì giai đoạn sau thu hoạch của vụ trước phải phục hồi cây cho thật tốt.
Để cây sầu riêng ra được hoa nghịch vụ như mong muốn, người trồng nên chọn lựa những cây khỏe mạnh, không bị bệnh (xì mủ thân, cháy lá), cây có từ 2 cơi đọt trở lên mới tiến hành xử lý ra hoa. Ngoài ra, khi cơi đọt thứ 2 hoặc cơi đọt thứ 3 được 3 tuần tuổi, nông dân tiến hành bón phân gốc có hàm lượng lân và kali cao theo tỷ lệ N:P:K (1:3:2) để giúp cây hình thành mầm hoa tốt nhưng tùy theo tuổi cây mà áp dụng theo liều lượng khuyến cáo của sản phẩm để bón.
Để cây sầu riêng ra được hoa nghịch vụ như mong muốn, người trồng nên chọn lựa những cây khỏe mạnh. (Ảnh minh hoạ).
Người trồng cần kết hợp phun trên tán lá các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như: MKP (0-52-34), NPK (10-60-10 TE), NPK (7-5-44 TE) và KNO3(13-0-46) để lá sớm thành thục, giúp quá trình tạo mầm hoa đạt hiệu quả; sử dụng đúng theo liều lượng khuyến cáo, không nên phun quá liều lượng dễ dẫn bị cháy lá. Đồng thời, tạo khô hạn cho cây trong quá trình xử lý trái nghịch vụ như không tưới nước, tháo cạn nước trong vườn là rất quan trọng; tiến hành phủ bạt ni-lông chung quanh gốc để tạo khô hạn nhân tạo cho cây, phun thuốc để ức chế sự sinh trưởng của cây, kích thích sự ra hoa theo nồng độ khuyến cáo là 1200ppm (1200 mg/l).
Giai đoạn hoa bắt đầu nhú ra từ thân và cành, dài từ 0,3-0,5cm sáng rõ thì tùy theo điều kiện thời tiết, nông dân tiến hành dỡ bạt ni-lông phủ ra. Tưới nước 2 ngày 1 lần cho đến khi hoa nở hoàn toàn, lượng nước tưới tăng dần đến mức bình thường giúp cây không bị sốc nước và nụ hoa phát triển tốt.
Đặc biệt, nông dân phải chủ động máy bơm tháo cạn nước trong vườn khi có mưa xuất hiện, đặc biệt là mưa dầm nhiều ngày do bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới thì nên đậy phủ bạt gốc lại. Nông dân xử lý sầu riêng nghịch vụ bán giá cao gấp nhiều lần so với mùa thuận. Tuy nhiên, việc xử lý đạt hay không đạt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rất lớn. Năm nay, mưa nhiều và kéo dài, nhiều diện tích sầu riêng xử lý ra hoa không đạt, nông dân phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư.
Có thể nói năm 2024, là năm đầy thử thách đối với nông dân tỉnh Tiền Giang, gây ảnh hưởng nặng đến đầu ra nông sản, nhất là tình trạng xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng, nông dân tốn nhiều chi phí để trồng lại và chăm sóc cho cây phục hồi.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Khi đó, giá sầu riêng sẽ luôn ổn định ở mức cao, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân, đồng thời, sẽ tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”.
Đức Mạnh
Bình luận