Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Chủ nhật, 30/10/2022 19:10
TMO – Giải cứu thành công 7 cá thể khỉ đuôi lợn; Hà Nội đề xuất di dời 80 cây hoa sữa; Dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người vào năm 2030…là những vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần qua (từ 24/10 đến 30/10).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần được nhiều bạn đọc quan tâm liên quan đến lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
1. Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa. Trong dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đề xuất di dời 80 cây hoa sữa nhằm giảm mật độ do được trồng dày đặc tạo mùi hương nồng nặc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Theo đó, quận Đống Đa kiến nghị cơ quan của Hà Nội cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn… để hạn chế mùi hương đậm đặc của hoa sữa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.
2. Dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người. Theo quy hoạch tổng thể quốc gia, đến năm 2030 dân số Việt Nam khoảng 105 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD. Nội dung Quy hoạch, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 - 8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
3. Vỡ hồ chứa chất thải ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân. Hồ chứa chất thải rộng gần 5.000 m2 nằm trên địa bàn xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị vỡ, nước hôi thối tràn ra dòng suối, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân. Theo đó, hồ chứa chất thải lót bạt của chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, ở Khu xử lý chất thải tập trung bị rò rỉ, vỡ bờ bao chiều 28/10. Hàng nghìn m3 chất thải lỏng trong hồ tràn ra khu đất liền kề rồi chảy vào suối Giao Kèo - nơi có hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên.
4. Giải cứu thành công 7 cá thể khỉ đuôi lợn. 7 con khỉ đuôi lợn được lực lượng chức năng giải cứu, thả về rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam phối hợp Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thả 7 con khỉ đuôi lợn và một con cầy vòi hương về với môi trường tự nhiên. Tất cả là động vật quý hiếm thuộc nhóm IIB trong sách đỏ Việt Nam. Đây là những cá thể khỉ được phát hiện trong vụ vận chuyển trái phép 8 con khỉ đuôi lợn (một con đã chết) và một con cầy vòi hương.
5. Trình Chính phủ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn và trình Thủ tướng Chính phủ phương án nghỉ Tết 7 ngày thay vì 9 ngày. Với phương án này, người lao động bắt đầu được nghỉ từ ngày 29 tháng chạp tới hết ngày mùng 5 tháng giêng (tức từ ngày 20/1 đến hết ngày 26/1/2023).
6. Dừng dự án điện mặt trời trên đầm An Khê. UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Công thương của tỉnh này tham mưu báo cáo Bộ Công thương không bổ sung hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với mong muốn bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do lo ngại phá vỡ không gian văn hóa Sa Huỳnh. Đầm An Khê rộng 350 ha, nằm ven biển Sa Huỳnh, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Năm 2017, một doanh nghiệp đề xuất đầu tư hai nhà máy điện mặt trời với tổng vốn 2.000 tỷ đồng ở đây. Khi đó, UBND Quảng Ngãi đánh giá dự án mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhà máy điện ở đầm An Khê vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học bởi khu vực đầm là vùng lõi của nền Văn hóa Sa Huỳnh có từ 2.000-3.000 năm trước. Nếu dự án được triển khai sẽ phá vỡ không gian văn hóa của một trong ba nền văn minh cổ ở Việt Nam (Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo).
7. Nước biển Quảng Ngãi đổi màu như cà phê. Nhiều ngày qua, khu vực biển gần bờ tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nước đổi màu như cà phê, kèm theo đó là bọt biển kết dính, bám từng mảng vào cát. Người dân cho rằng đây là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn cho rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường vào mùa biển động. Theo cơ quan này, hiện tượng nước biển đổi màu diễn ra vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Nước biển tuy chuyển sang màu nâu đen nhưng không có mùi lạ, không gây ngứa, cũng không ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của thủy sản. Về nguyên nhân được xác định vào thời gian này có mưa lũ nên nước từ thượng nguồn đổ về mang theo nhiều rác thải, phù sa. Mặt khác, biển động, dòng chảy thay đổi cũng làm các chất thải tích tụ ở đáy biển bị cuốn vào bờ làm nước biển đổi màu.
Thanh Bình – Trà Bích
Bình luận