Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 03:01
Thứ sáu, 17/01/2025 05:01
TMO - Bạc Liêu là địa phương có nghề làm muối truyền thống lâu đời, có diện tích, sản lượng muối lớn trong cả nước. Để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển nghề muối bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm muối, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nghề làm muối ở Việt Nam nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng là một ngành truyền thống, truyền từ đời này sang đời khác, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử về vùng đất và con người.
Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài, qua đó, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập từ nghề làm muối truyền thống, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn (huyện Đông Hải trên 67.000 tấn và huyện Hòa Bình trên 9.000 tấn), vượt hơn 300% so với kế hoạch, tăng gần 50.000 tấn so với niên vụ 2022-2023. Trong số đó, sản lượng muối sản xuất theo phương pháp trải bạt là 252 ha. Năng suất trung bình đạt gần 48 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 74 tấn/ha (đối với muối trải bạt).
Với tiềm năng và nguồn thu nhập kinh tế cao, tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm chế biến từ muối. Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để bảo tồn, nâng tầm giá trị hạt muối và phát triển nghề muối theo hướng bền vững, địa phương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” từ ngày 6 đến 8/3. Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần đưa hạt muối Việt Nam nói chung và hạt muối Bạc Liêu nói riêng phát huy và nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhất là đối với diêm dân, sự kiện trên sẽ giúp nghề muối được đánh giá đúng giá trị; đánh dấu một quá trình nghề muối dù trải qua nhiều thăng trầm, được vinh danh và chú trọng, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ là cơ hội để các địa phương cùng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ muối và các sản phẩm OCOP.
Việc nâng cao giá trị kinh tế từ hạt muối góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tích hợp nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh kết hợp phát triển du lịch phát triển bền vững. Từ những giá trị về kinh tế, văn hóa, lịch sử, thông qua Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng, tiềm năng và triển vọng của hạt muối Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng tầm giá trị hạt muối.
Đây là lần đầu tiên tổ chức Festival nghề muối Việt Nam. Do đó, không để lễ hội rơi vào tình trạng của một hội chợ thông thường, lễ hội sẽ hướng tới việc viết lại câu chuyện về muối Bạc Liêu, muối Việt Nam tạo nên tình cảm yêu thương, trân quý về nghề muối, diêm dân và những sản phẩm từ muối. Bạc Liêu tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 nhằm hướng đến nâng tầm giá trị hạt muối, giúp cho người dân sống được từ nghề muối, bảo tồn và phát triển nghề muối theo hướng bền vững.
Đồng thời tăng cường quảng bá, nâng tầm và mở rộng thị trường cho hạt muối Ba Thắc-Bạc Liêu. Sự kiện sẽ là điểm nhấn quan trọng trong việc thể hiện quyết tâm của tỉnh Bạc Liêu gìn giữ, phát huy và nâng tầm “hạt vàng trắng” Muối Ba Thắc-Bạc Liêu; đồng hành cùng diêm dân nâng tầm giá trị kinh tế, mở rộng thị trường, quảng bá giá trị hạt muối Bạc Liêu đến cả trong và ngoài nước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, muối Bạc Liêu (còn gọi là muối Ba Thắc) là thương hiệu dân gian nổi tiếng từ lâu đời, gắn liền với người làm muối tỉnh Bạc Liêu và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển.
Diêm dân Bạc Liêu khai thác muối trên cánh đồng muối. (Ảnh minh hoạ).
Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Nghề làm muối ở Bạc Liêu gắn bó với đời sống lao động sản xuất của diêm dân đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng diêm dân Bạc Liêu luôn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hi vọng, nghề muối sẽ khởi sắc. Đại diện Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất muối công nghệ cao trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, chỉ cần thời tiết thuận lợi, tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định, diêm dân sống được với nghề muối thì diêm dân sẽ không bao giờ bỏ nghề muối, vẫn bám trụ với nghề.
Lãnh đạo xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) cho rằng, hiện nay, để nâng cao giá trị kinh tế từ hạt muối thì phải sản xuất muối theo hướng trải bạt. Cùng đó, về lâu dài, các diêm dân tham gia vào các hợp tác xã muối để giảm chi phí sản xuất, thuận lợi trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Còn theo Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua nhiều thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Muối Ba Thắc-Bạc Liêu được diêm dân ví là “hạt vàng trắng” của đất trời ban cho vùng đất và con người Bạc Liêu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người làm muối Bạc Liêu luôn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hy vọng, nghề muối sẽ khởi sắc. Với chất lượng sản phẩm tốt, được người dùng ưa chuộng, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013.
Với lịch sử phát triển nghề muối, phương pháp canh tác truyền thống lưu chuyền qua nhiều thế hệ người dân ven biển của tỉnh đã hình thành nét văn hóa riêng nên đến cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã gửi 2 hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 5 sao gồm muối tinh Bạc Liêu và Muối hạt Bạc Liêu).
Muối Bạc Liêu đã dần “định vị” được thương hiệu trên thị trường muối trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, muối Bạc Liêu đã có mặt tại thị trường Nhật Bản - một trong những quốc gia vốn rất “khó tính” về khâu kiểm duyệt thực phẩm nhập khẩu. Những sản phẩm muối Bạc Liêu không chỉ được biết đến qua dòng sản phẩm muối dùng trong thực phẩm mà con được nhắc đến qua rất nhiều sản phẩm từ muối có thể phục vụ cho cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…
Việc tìm thấy giá trị đích thực của hạt muối đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của diêm dân lấy sản lượng, bù chất lượng, từ đó teo đuổi ước mơ làm giàu trên chính đồng muối mặn. Đó cũng là chuyển tư duy sản xuất muối nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp bằng việc tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Khánh Toàn
Bình luận