Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ bảy, 15/10/2022 05:10
TMO - Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với nhiều đảo và các hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, bãi cát ven bờ… tạo nên môi trường sinh trưởng ổn định cho một số loài rùa biển. Thời gian qua, công tác bảo tồn các loài rùa biển nguy cấp được Ban quản lý vịnh đẩy mạnh triển khai.
Ban quản lý vịnh Nha Trang đã triển khai đề tài “Khảo sát, đánh giá hiện trạng và phân vùng bảo vệ bãi rùa đẻ tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre”. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ trung bình người dân được khảo sát nhìn thấy rùa biển trong vịnh là 86,63%; hầu hết người dân không biết cách cứu hộ rùa biển gặp nạn (90,43%), chưa phân biệt được các loài rùa biển (70,97%). Từ đó, nhóm xây dựng bãi rùa đẻ với chiều dài khoảng 2km dọc theo bãi biển và sâu vào đất liền 30 - 50m được phân vùng, đánh dấu bằng phao nhựa, không để tàu thuyền xâm phạm vào bãi đẻ.
Quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với các đơn vị khác lập tổ cứu hộ rùa biển kiểm tra bãi rùa đẻ, ổ trứng rùa để giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, theo dõi và hỗ trợ rùa biển mùa sinh sản, kịp thời cứu hộ rùa biển gặp nạn, giảm nguy cơ gây tử vong. Tần suất kiểm tra bãi rùa đẻ 2 ngày/tháng, 5 tháng/năm (tổng cộng 10 đợt kiểm tra/năm). Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển như: Xác định tập tính sinh học, sinh thái của rùa biển; xây dựng phương pháp cứu hộ rùa; xây dựng bảng thông tin, số liệu về rùa biển (số lượng đẻ trứng, giống loài…).
Ảnh minh họa
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm này, mới đây Ban quản lý Vịnh Nha Trang vừa có văn bản gửi UBND TP.Nha Trang đề xuất lập bãi cho rùa đẻ tại khu vực Bãi Bàng lớn - Đầm Tre, thuộc đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang, TP. Nha Trang.
Theo đó, Ban quản lý vịnh đề xuất thực hiện khoanh vùng bảo vệ rùa biển và hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Bàng lớn - nơi sinh sản cuối cùng của rùa biển trong vịnh Nha Trang. Lập đề án bảo tồn rùa biển trong vịnh Nha Trang với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng và các cá nhân liên quan.
Việc thực hiện khoanh vùng bảo vệ rùa biển và hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Bàng Lớn có ý nghĩa quan trọng, vì đây là nơi sinh sản của của rùa biển, và hạn chế tác động của con người tránh ảnh hưởng tới loại này. Với đề án bảo tồn rùa biển, ngoài đơn vị ra thì sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cũng như của cộng đồng cùng các đơn vị, cá nhân liên quan.
Thực hiện “Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019, BQL Vịnh Nha Trang đã xây dựng đề án bảo vệ rùa biển tại Bãi Bàng lớn - Đầm Tre (đảo Hòn Tre) khu vực có hệ sinh thái thảm cỏ biển với độ phủ cao nhất hiện nay. Đây cũng là bãi đẻ cuối cùng của rùa biển trong vịnh Nha Trang.
Trong những năm trở lại đây, vịnh Nha Trang đều có ghi nhận về sự xuất hiện của rùa biển và dấu vết của rùa trên bãi cát tại Bãi Bàng lớn. Tuy nhiên, do một số hoạt động tạm thời của con người tại khu vực này đã làm ảnh hưởng đến việc sinh sản của rùa biển tại đây.
Ban quản lý nhấn mạnh, cùng với việc rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học ở vịnh Nha Trang, tạo cơ sở pháp lý bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, cần xây dựng các quy định về quản lý, kiểm soát, bảo vệ rùa biển; hướng dẫn kỹ thuật cứu hộ, nhân nuôi, bảo tồn rùa biển và tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre sinh sản.
Đồng thời, cần tăng cường điều tra, đánh giá, nghiên cứu loài rùa nguy cấp; xây dựng mạng lưới và cơ chế trao đổi thông tin bảo tồn các loài rùa, thường xuyên khuyến cáo ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ các loài rùa nguy cấp. Mặt khác, cần thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển, cụ thể là di chuyển trứng rùa từ nơi khác đưa về ấp nở, làm phong phú về đa dạng sinh học và tạo thêm sản phẩm du lịch sinh học ở vịnh Nha Trang.
Đức Cường
Bình luận