Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ sáu, 18/03/2022 15:03
TMO - Mới đây, 5 con linh dương Bongo đã được thả về một khu bảo tồn ở Kenya, đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến vì sự sinh tồn của loài động vật hiện chỉ còn chưa đến 100 cá thể trong tự nhiên này.
Một cuộc điều tra về động vật hoang dã mới đây ở quốc gia Đông Phi này chỉ thống kê được 96 con linh dương Bongo còn lại trong tự nhiên. Theo dự đoán của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), số lượng cá thể linh dương Bongo sẽ tiếp tục suy giảm nếu như không có những hành động can thiệp trực tiếp.
Hai trong số 5 cá thể linh dương Bongo được thả về Khu bảo tồn Mawingu gần Nanyuki, Kenya ngày 9/3/2022. (Ảnh: Reuters)
Cơ quan Bảo tồn động vật hoang dã Núi Kenya (MKWC), Dịch vụ Động vật hoang dã Kenya (KWS) và Dịch vụ Rừng Kenya (KFS) đang dẫn đầu một chương trình nhân giống và tái thả loài linh dương Bongo trong suốt 20 năm qua.
Cụ thể, 18 con linh dương Bongo (4 con đực và 14 con cái) đã được đưa từ 14 sở thú trên khắp nước Mỹ về MKWC ở thị trấn Nanyuki, gần Núi Kenya. Năm cá thể được thả về khu bảo tồn Mawingu rộng 314 ha ngày 9/3 vừa qua chính là đàn sau của đàn linh dương Bongo từ Mỹ.
Khu bảo tồn Mawingu nguyên sơ bao gồm một khu rừng tự nhiên cung cấp một không gian rộng lớn để có thể tiếp tục thả linh dương Bongo nhằm chuẩn bị cho sự tồn tại của chúng trong môi trường hoang dã. Tầm nhìn dài hạn của chính phủ Kenya là phát triển quần thể linh dương Bongo lên 750 con vào năm 2050.
Theo đó, mỗi năm sẽ có 10 cá thể linh dương Bongo được thả về khu bảo tồn, chia đều thành 2 đợt, mỗi đợt thả 5 con. Ước tính đến năm 2025, khu bảo tồn sẽ có từ 50 đến 70 cá thể linh dương Bongo được hoàn toàn tái thả.
Theo các chuyên gia về động vật hoang dã ở Kenya, thành công lâu dài của việc thả linh dương Bongo và bảo đảm sự tồn tại của chúng trong tự nhiên phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương ở các khu vực xung quanh, vì hầu hết các mối đe dọa gây ra sự suy giảm quần thể của loài này đều xuất phát từ con người.
Cơ quan bảo tồn đang phối hợp với các cộng đồng này để khôi phục các khu vực rừng bị suy trên Núi Kenya thông qua một chương trình trồng rừng. Theo đó, 3.000 thành viên cộng đồng đã được huy động để tham gia trồng hơn 35.000 loài cây bản địa, với kế hoạch trồng thêm 5.000 cây nữa trong năm nay.
Tố Uyên
Bình luận