Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 02/12/2024 19:12
TMO – Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh, tỉnh Ninh Thuận cần nguồn vốn khoảng 270.000-280.000 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn (2021-2025 và 2026 - 2030).
Đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 - 11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng; tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53 - 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 - 3%; Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP.
Để hoàn thành mục tiêu trên, theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận cần huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác; ưu tiên thu hút đầu tư vào 05 cụm ngành quan trọng, đột phá đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Măng tây, nho, thanh long... là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa.
Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách khuyến khích của tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, phát triển mạnh các loại hình du lịch chất lượng cao và các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ứng dụng công nghệ cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Kế hoạch, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh Ninh Thuận lũy kế đến năm 2030 cần khoảng 270.000 - 280.000 tỷ đồng. Cụ thể: trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn cần khoảng 125 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 17%, ngoài ra là vốn các thành phần kinh tế khác và nguồn vốn FDI). Giai đoạn 2026-2030 cần vốn khoảng 155 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 15%).
Để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác hiệu quả các nguồn lực từ quỹ đất; thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư để huy động vốn thực hiện quy hoạch theo quy định pháp luật, tập trung xây dựng cơ chế đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức khác theo quy định pháp luật.
Ninh Thuận sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…/.
VĂN NHI
Bình luận