Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 16:07
Thứ ba, 22/07/2025 08:07
TMO - Trước diễn biến bất thường của bão số 3, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã chủ động kích hoạt các phương án tiêu úng nhằm bảo vệ diện tích lúa mùa mới gieo cấy. Hệ thống thủy lợi được rà soát, vận hành sẵn sàng, đảm bảo thoát nước kịp thời khi mưa lớn xảy ra. Các địa phương trong tỉnh cũng được yêu cầu thường trực 24/24 để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nguy cơ úng ngập cục bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt tại những vùng trũng thấp, chân ruộng ô thửa lớn. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương khẩn trương kiểm tra, duy tu hệ thống kênh mương, cống tiêu, máy bơm dã chiến, đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả trong mọi tình huống.
Các trạm bơm chính đã được bảo dưỡng định kỳ, bố trí cán bộ túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng vận hành khi có mưa lớn. Cùng với đó, công tác dự báo khí tượng, cảnh báo mưa dông cũng được tăng cường, giúp các địa phương chủ động triển khai biện pháp phòng tránh từ sớm.
Các hợp tác xã nông nghiệp được giao nhiệm vụ bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm điểm ngập để xử lý kịp thời, không để lúa mới gieo bị thiệt hại. Ninh Bình đang tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo vệ an toàn cho diện tích lúa mùa, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong bối cảnh bão số 3 đổ bộ vào đất liền
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 127 nghìn ha lúa. Tính đến ngày 17/7, đã hoàn thành gần 84 nghìn ha, đạt khoảng 65% kế hoạch. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm của cây lúa, do vừa được cấy hoặc gieo sạ, bộ rễ còn yếu, cây chưa bén đất. Nếu gặp mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lúa dễ bị thối rễ, vàng lá, chết cây, buộc phải gieo cấy lại, kéo dài thời vụ và làm tăng chi phí cho người nông dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cùng với ảnh hưởng của bão số 3, từ nay đến cuối tháng 7, khu vực có thể xuất hiện 1-2 đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các vùng trũng ven sông Hoàng Long, sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, cùng nhiều xã như Nho Quan, Yên Khánh, Kim Sơn, Nam Ninh, Phong Doanh, Hải Thịnh… được xác định là có nguy cơ úng ngập cao nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Để bảo vệ lúa mùa mới gieo cấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tiêu úng theo từng cấp độ mưa. HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn (xã Bình Mỹ) với diện tích lúa vụ mùa trên 500ha, nằm ở vùng trũng cuối hệ thống tiêu thoát nước. Nhằm đảm bảo tiêu úng, HTX đã chủ động sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ 14 trạm bơm điện nội đồng với 30 tổ máy (công suất 1.000 - 4.000 m³/giờ), nạo vét hơn 5.000 m³ đất ở kênh mương nội đồng và tổ chức khơi thông dòng chảy, sẵn sàng vận hành khi có mưa lớn.
Người dân chủ động tiêu nước, chống úng cho diện tích lúa mới gieo cấy. (Ảnh: MC).
Đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn cho biết, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hệ thống thủy lợi của HTX đủ khả năng tiêu úng cho lượng mưa khoảng 200mm trong 3 ngày liên tiếp. Với những diện tích quá trũng, xa kênh tiêu chính sẽ được khoanh vùng tiêu cục bộ bằng máy bơm dã chiến di động. Tại Cụm thuỷ nông miền thượng thuộc địa bàn Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản quản lý, công tác theo dõi, vận hành trạm bơm cũng được triển khai chặt chẽ.
Với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hơn 500 ha lúa của xã Vụ Bản, Hiển Khánh và phường Trường Thi, Mỹ Lộc, đơn vị đã phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng nước mặt ruộng, trên các tuyến kênh. Khi trời có mưa sẽ tổ chức vận hành ngay các tổ bơm tiêu úng theo cấp độ, lượng mưa thực tế để bảo vệ lúa của các địa phương.
Trong điều kiện mưa to, kéo dài, trạm sẽ tổ chức khoanh vùng và bố trí thêm 9 máy bơm di động, công suất 100m3/giờ để bơm tiêu cho vùng trũng hơn… Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi trên địa bàn cũng chủ động phối hợp với các HTX tổ chức nạo vét kênh mương, vớt rác, bèo, bảo đảm tiêu nước thông suốt.
Các trạm bơm tiêu úng vận hành luân phiên, ưu tiên vùng trũng sâu; các trạm bơm liên xã, cụm thủy nông phối hợp nhịp nhàng theo cơ chế “bơm đồng bộ, tiêu nước hiệu quả” để tránh quá tải hệ thống. Công ty phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng cống, trạm bơm; chủ động chuẩn bị vật tư, thiết bị phòng, chống úng ngập như máy bơm di động, ống hút, máy phát điện, bao tải, đất cát… để sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp.
Cán bộ khuyến nông, thủy lợi viên cơ sở trực 24/24 giờ trong những ngày có mưa, lũ lớn. Cùng với đó, các xã, phường đã tăng cường tuyên truyền, cập nhật liên tục thông tin dự báo thời tiết, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống úng ngập tại chỗ như đắp bờ bao, be bờ chống tràn, khơi thông dòng chảy nhỏ trong ruộng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng kịch bản tiêu úng, phân định rõ các vùng có nguy cơ úng ngập để chủ động bố trí nhân lực, phương tiện. Lực lượng xung kích được tổ chức thường trực tại các vị trí trọng yếu, sẵn sàng xử lý các điểm ách tắc, khơi thông dòng chảy, bảo đảm hệ thống thủy lợi vận hành hiệu quả.
Trong bối cảnh thời tiết diễn biến khó lường, việc chủ động phòng, chống úng ngập góp phần bảo vệ diện tích sản xuất của ngành nông nghiệp Ninh Bình, ổn định sinh kế cho người dân. Với phương châm “phòng là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng”, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, từ kiểm tra hệ thống thủy lợi, vận hành trạm bơm đến huy động lực lượng túc trực tại các vùng trọng điểm.
Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ lúa mùa mới gieo cấy mà còn thấy được sự đồng hành, sát sao của chính quyền trong phòng chống thiên tai. Thực tế cho thấy, chủ động phương án ngay từ đầu luôn sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là trong bối cảnh cực đoan khí hậu ngày càng gia tăng.
Bình Thanh
Bình luận