Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ ba, 22/10/2024 14:10
TMO - Tình trạng ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức đã khiến nguồn lợi thuỷ sản của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hướng tới phát triển bền vững, tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Tỉnh Ninh Bình có 18,34 km đường bờ biển với hai cửa sông chính là cửa sông Đáy và sông Càn; hệ thống sông, ngòi đa dạng chiều dài trên 113 km; trong đó, có nhiều sông lớn như sông Đáy, sông Hoàng Long. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế thủy sản, nâng cao giá trị khai thác mang tính bền vững.
Nhằm tránh tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh các hoạt động tăng cường bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua đó, không chỉ góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái mà còn quản lý, khai thác có hiệu quả vùng kinh tế ven biển của địa phương và tạo sinh kế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm, nguyên nhân chính là do môi trường ngày càng ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và ý thức của người dân vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng khai thác quá mức, sử dụng phương pháp khai thác mang tính hủy diệt.
Do đó, hoạt động thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống các dòng sông, hồ chứa nước lớn là hoạt động thường xuyên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia. Hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên", các huyện, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động thả các loại giống thủy sản nhằm phát triển sản xuất thủy sản bền vững.
Đối với các vị trí thả là các vùng nước tự nhiên thì các địa phương ưu tiên chọn các thủy vực trong quần thể các điểm danh thắng du lịch như: Bến thuyền Tràng An thuộc vùng nước tự nhiên của khu vực Quần thể danh thắng Tràng An; hồ Đàm Thị thuộc khu quần thể Chùa Bái Đính hay lưu vực sông Hoàng Long, xã Đức Long, huyện Nho Quan...Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp với các ngành chuyên môn vận động cán bộ, hội viên, nông dân thả bổ sung các loài thuỷ sản (cá, ốc, ếch…) với số lượng gần 1,1 triệu con giống nhằm khôi phục và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững là cách để bảo vệ sinh kế cho Nhân dân. (Ảnh minh hoạ).
Ngoài ra Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng đã tiến hành thả hơn 25,2 tấn giống thủy sản các loại ở lưu vực sông, hồ nước tự nhiên, vùng ven biển. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thả trên 1,4 triệu con cá các loại xuống các vùng nước tự nhiên của tỉnh. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Mật độ các loài thủy sản tăng, cân bằng hệ sinh thái. Hàng năm, công tác thả giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản được tập trung vào những ngày truyền thống ngành thủy sản, ngày Vu lan, Phật đản… đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, thu hút các thành phần trong xã hội tham gia.
Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh cũng đã phát hiện 1.334 trường hợp vi phạm sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản, phạt tiền gần 3,2 tỷ đồng. Củng cố hồ sơ 360 vụ tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được triển khai đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng vào việc khôi phục nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Bình.
Đại diện Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đánh giá, nguồn lợi thủy sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế thủy sản, bảo đảm cho sự cân bằng sinh học. Việc kịp thời bảo vệ, bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gìn giữ môi trường, tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Để bảo vệ và tái tạo, bên cạnh việc vận động các cơ sở nuôi cá giống, các nhà hảo tâm thả cá giống các loại ra môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh quan tâm; tập trung thực hiện Chiến lược phát triển Thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện các kế hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh.
Việc chú trọng tăng cường phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh Ninh Bình trong lĩnh vực phóng sinh tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã giúp công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng tổ chức 42 hội nghị về công tác bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản, tuyên truyền phố biến pháp luật, chủ quyền biển đảo, thả cá phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hơn 2,8 nghìn cán bộ, ngư dân, tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh.
Các vị đại biểu tỉnh Ninh Bình thực hiện thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. (Ảnh minh hoạ: LN).
Đồng thời, phát gần 6,8 nghìn tài liệu hướng dẫn các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản; công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; hoạt động thả phóng sinh các giống loài thủy sản và cam kết không sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản…Qua đó giúp nhận thức và hành động trong bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thả giống, phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản được đẩy mạnh góp phần phục hồi nguồn lợi ở một số thuỷ vực.
Lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong thời gian tới, ngành thuỷ sản tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân phát động thả bổ sung, thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Đặc biệt ưu tiên các loài bản địa có nguy cơ cạn kiệt vào các mặt nước tự nhiên; tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho toàn bộ những người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt là phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân...
Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường là hướng đi quan trọng để Ninh Bình phát triển ngành thuỷ sản theo hướng an toàn.
Phan Liên
Bình luận