Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 19:12
Thứ tư, 25/12/2024 13:12
TMO – Những ngày cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhu cầu sử dụng đồ gốm của người dân tăng cao hơn nên làng gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đỏ lửa liên tục để sẵn sàng phục vụ cho thị trường.
Làng gốm Gia Thủy đã có tuổi đời hơn 60 năm. Nghề gốm phát triển tại nơi đây bởi những người thợ gốm đến từ Thanh Hóa. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, đến nay gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh trên thị trường.
Vào thời điểm cuối năm, tại làng gốm Gia Thủy các lò liên tục đỏ lửa để phục vụ nhu cầu của thị trường. Trung bình từ 7-8 ngày sẽ ra lò 1 lần.
Nguyên liệu dùng để đốt lò gốm thường sẽ là keo, tràm, bạch đàn vì các loại gỗ này thường cháy nhanh hơn.
Tháng cuối năm là tháng cao điểm do nhu cầu sử dụng gốm của người dân tăng vọt nên những người thợ gốm nơi đây đều làm việc tất bật từ sáng tới tối. Các công đoạn làm gốm được thực hiện theo 1 dây chuyền, mỗi người 1 công đoạn khác nhau.
Nét đặc trưng của gốm Gia Thủy là được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người làm gốm. Trong ảnh là công đoạn làm nắp đậy các chum gốm.
Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ gốm sẽ nặn đất theo các mẫu khác nhau. Mỗi sản phẩm gốm được hoàn thiện là kết quả của sự miệt mài sáng tạo, thành quả gắn bó của cả một tập thể, với nhiều công đoạn khác nhau, thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người thợ làng nghề.
Những chiếc bình gốm sau khi được tạo hình thêm các họa tiết giúp các sản phẩm được ưa chuộng và bán chạy hơn.
Người tạo hình các họa tiết trên các bình gốm đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo. Mỗi bức tranh trên bình gốm thể hiện sự sinh động và mang hồn cốt đặc trưng của làng nghề gốm Gia Thủy.
Đối với những bình gốm có giá trị nghệ thuật cao sẽ có giá từ vài triệu đến vài triệu đồng tùy theo kích thước.
Bên cạnh việc duy trì các mặt hàng truyền thống, các nghệ nhân và người dân làng nghề đã sáng tạo các mặt hàng gốm mỹ nghệ, trang trí và các sản phẩm có hoa văn tinh tế để bắt nhịp với xu thế thị trường.
Thị trường tiêu thụ của gốm Gia Thủy đến nay đã mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dịp cuối năm đã có nhiều thương lái đến đặt hàng để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2025.
Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Gia Thủy vẫn luôn tồn tại và phát triển cho đến nay. Những người thợ lành nghề, tận tụy vẫn ngày đêm tỉ mẩn làm các sản phẩm để đưa những giá trị văn hóa đến gần hơn với mọi người.
Minh Anh
Bình luận