Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ sáu, 11/11/2022 23:11
TMO – Mục tiêu đến năm 2030 sẽ tập trung đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Của Việt, Cửa Gianh; điều chỉnh hướng luồng hàng hải Diêm Điền, Văn Úc.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với danh mục các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư và nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng và cảng biển trọng điểm của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.
Về cảng biển, mục tiêu đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư các bến 3, 4, 5, 6 tại khu bến Lạch Huyện; bến khởi động tại khu bến Liên Chiểu và các bến cảng chính thuộc cảng biển loại l. Ngoài ra, tập trung đầu tư các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch và các bến cảng quy mô lớn gần trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim. Đến năm 2030, ưu tiên đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đỗ Sơn (Hải Phòng) và các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ và hạ lưu Cái Mép hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).
Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Việc đầu tư các bến cảng biển hầu hết sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến, tổng mức đầu tư của các bến cảng biển thuộc 5 nhóm cảng biển (không bao gồm các cầu cảng chuyên dùng) đến năm 2030 khoảng 381.991 tỷ đồng.
Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, đến năm 2025 sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 Teus), với nhu cầu vốn cho dự án này đến năm 2025 khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, tập trung đầu tư các dự án như: Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn; luồng sông Chanh cho tàu đến 50.000 DWT; nâng cấp luồng vào cảng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 DWT, luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000DWT, luồng Quy Nhơn cho tàu đến 50.000 DWT và các tuyến luồng khác; các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải.
Đến năm 2030, tập trung đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Của Việt, Cửa Gianh; điều chỉnh hướng luồng hàng hải Diêm Điền, Văn Úc. Đầu tư và cải tạo, nâng cấp luồng Cẩm Phả, luồng Ba Ngòi, luồng Hòn La, luồng hàng hải qua cửa Trần Đề và các tuyến luồng khác.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 296 bến cảng/chiều dài khoảng 103 km cầu cảng. Hình thành các cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực phía bắc và phía nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 DWT, hàng lỏng đến 150.000 DWT (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000 DWT, cơ bản đã đạt được các mục tiêu quy hoạch đến năm 2020.
Cả nước hiện có 45 luồng hàng hải công cộng đã đưa vào khai thác, 11 luồng hàng hải chuyên dùng, 94 đèn biển và 32 đài thông tin trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng hệ thống thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu, thuyền (LRIT) và hệ thống VTS lắp đặt tại các cảng biển lớn hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, giám sát vị trí tàu thuyền; giám sát, quản lý hoạt động hàng hai trong vùng nước cảng biển.
Quốc Dũng
Bình luận