Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 24/11/2021 20:11
TMO - Theo báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, hệ sinh thái thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo, độ sâu từ 0-20 m, tổng diện tích có khoảng trên 5.583 ha; đầm phá khoảng 100.000 ha, vịnh kín và bãi triều lầy khoảng 290.000 ha.
Khu rừng ngập mặn (Núi Thành, Quảng Nam)
Trong vùng biển, Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong các vùng đa dạng sinh học khác nhau. Tuy nhiên, hệ sinh thái thảm cỏ biển đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái với 100 loài sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa (những loài sinh vật này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ).
Với diện tích khoảng 1.222 km2, các rạn san hô của Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, năng suất sơ cấp lớn, cảnh quan kỳ thú, phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam tập trung nhiều ở vùng biển Nam Trung Bộ, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, diện tích các rạn san hô đang bị thu hẹp, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống. Độ phủ trên rạn san hô đang bị giảm dần theo thời gian, nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%. Đặc biệt, tại vùng bờ biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, hệ sinh thái rạn san hô đã giảm 42% diện tích trong 10 năm (2006-2016)87. Trong khi đó rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng, với sự suy giảm nhanh chóng về diện tích và chất lượng các khu rừng ngập mặn. Sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn đồng nghĩa với tính ĐDSH của hệ sinh thái suy giảm, đặc biệt các loài thủy sinh không còn bãi đẻ và nơi cư ngụ.
Dù vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực, trong những năm qua, nhiều nhiệm vụ, dự án trồng rừng và phục hồi rừng ngập mặn đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao diện tích rừng ngập mặn từ 131,5 nghìn ha năm 2010 lên 149,6 nghìn ha năm 2018. Một trong những giải pháp đã được triển khai để bảo vệ hệ sinh thái biển, đó là quy hoạch khu bảo tồn để thực thi các biện pháp quản lý.
Quốc Minh
Bình luận