Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 16:11
Chủ nhật, 14/01/2024 07:01
TMO - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, năm 2023 công suất năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng thêm 50% so với năm trước đó.
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào cuối năm 2023 với sự tham gia của gần 200 quốc gia đã lần đầu tiên nhất trí kêu gọi thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. IEA cho biết trong một tuyên bố: “Công suất năng lượng tái tạo được bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới đã tăng 50% vào năm 2023, đạt gần 510 GW, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 3/4.
Mức tăng trưởng lớn nhất diễn ra ở Trung Quốc, quốc gia đã vận hành nhiều quang điện Mặt Trời vào năm 2023, ngang bằng với sản lượng năng lượng của toàn thế giới vào năm 2022, trong khi công suất bổ sung năng lượng gió của Trung Quốc tăng 66% so với năm 2022. Sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo ở châu Âu, Mỹ và Brazil cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, năm 2023 công suất năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng thêm 50% so với năm trước đó.
Theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030. Việc đạt được mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vẫn chưa thể thực hiện, tuy nhiên các quốc gia đang nỗ lực tiến gần hơn tới mục tiêu đó và các chính phủ đã có những công cụ cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch.
Năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên đất liền hiện nay rẻ hơn so với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới, cũng như các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có ở hầu hết các quốc gia. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận tài chính, tăng cường quản trị và tạo ra các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, điều cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư và thu hút đầu tư. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các mục tiêu và chính sách mới ở những quốc gia chưa tồn tại.
Theo IEA, lĩnh vực năng lượng mặt trời phân tán dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 200% từ năm 2023 đến năm 2028, so với 6 năm trước đó. Trong khi đó, năng lượng gió đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát và chi phí vay cao hơn khiến các dự án ở châu Âu và Mỹ gặp trở ngại, đặc biệt là đối với các trang trại ngoài khơi. Đối với Mỹ, IEA đã cắt giảm hơn 60% dự báo về công suất điện gió ngoài khơi mới, sau khi các công ty hủy bỏ và trì hoãn các dự án do chi phí tăng cao. Cơ quan này cũng hạ dự báo về năng lượng gió ở châu Âu, do các dự án bị chậm trễ và tắc nghẽn lưới điện.
Thu Thảo
Bình luận