Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
TMO - Tại dự thảo luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong nội dung kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đã quy định, việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc về người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định.
Theo đó, tại Điều 10 dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quy định về xây dựng, thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thể hiện, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông có trách nhiệm tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ của cơ sở, phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý. Điều 10 cũng quy định, đối với cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Đồng thời tổ chức xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống tai nạn, sự cố cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo luật cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an trong xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trong phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc phương án cứu nạn, cứu hộ do cơ quan công an xây dựng có trách nhiệm bố trí lực lượng, người, phương tiện tham gia thực tập phương án.
Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, cơ quan quân sự, biên phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan công an tổ chức xây dựng, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thuộc phạm vi quản lý. "Chính phủ quy định về nội dung, thời gian thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ", dự thảo luật nêu rõ.
Dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng quy định về kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy thể hiện, đối tượng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phương tiện giao thông; công trình xây dựng trong quá trình thi công. Về nội dung kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng quy định, việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định.
Dự thảo Luật PCCC&CNCH nêu "Việc bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, cơ sở theo quy định; việc thực hiện, duy trì giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở",
Dự thảo luật cũng quy định về thẩm quyền kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy như sau: người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại TP.Hà Nội. (Ảnh minh hoạ).
UBND cấp xã, cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Dự thảo Luật PCCC&CNCH nêu rõ, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây: Thứ nhất, có quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng.
Thứ hai, có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định. Thứ ba, trang bị phương tiện hoặc hệ thống phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng theo quy định về an toàn trong thi công xây dựng. Thứ tư, có phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, đơn vị thi công công trình xây dựng có trách nhiệm thực hiện, duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy.
Bên cạnh đó, tại dự thảo luật PCCC&CNCH cũng có thêm những quy định mới về nhiệm vụ của cảnh sát PCCC. Theo dự thảo luật PCCC&CNCH, cảnh sát PCCC sẽ thống kê, tổng hợp dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý, khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC&CNCH.
Theo quy định, lực lượng này sẽ tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Công an ban hành, đề xuất cấp có thẩm quyền, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch, quy định của pháp luật về PCCC&CNCH.
Cảnh sát PCCC cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH; hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo luật cũng nêu rõ, cảnh sát PCCC sẽ xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ; thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
Ngoài ra, cảnh sát PCCC sẽ thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo luật PCCC&CNCH cũng quy định, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH thuộc công an nhân dân được tổ chức, bố trí và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. "Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH", dự thảo Luật nêu rõ.
Ngoài ra, Nhà nước xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…/.
Quỳnh Trang
Bình luận