Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ sáu, 15/12/2023 15:12
TMO - Mặc dù đã ký hợp đồng liên kết trồng sả dược liệu với một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên đã quá kỳ thu hoạch, cây sả bắt đầu lụi tàn nhưng nhiều hộ trồng sả ở xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không thấy đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm về thu mua.
Theo các hộ trồng sả tại xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc, vào cuối năm 2022, một doanh nghiệp (có trụ sở ở tỉnh Thanh Hóa) về ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sả chanh dược liệu với các hộ dân ở đây. Theo cam kết giữa hai bên, người dân mua cây sả giống của doanh nghiệp này để trồng, đến kỳ thu hoạch thì doanh nghiệp sẽ thu mua tất cả sản phẩm.
Bà Trần Thị Khoát (thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) buồn bả vì không thấy đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm về thu mua.
Từ tháng 3/2023, các hộ dân ký hợp đồng bắt đầu trồng sả, khi cây sả đến kỳ thu hoạch nhưng phía doanh nghiệp không về thu mua. Hiện tại, đã qua vụ thu hoạch 3 tháng, cây sả đã quá chu kỳ phát triển, bắt đầu lụi tàn và chết dần, khoảng 80 hộ ở xã Kỳ Tây và 20 hộ ở xã Kỳ Lạc lo lắng vì không thu hồi được vốn, mất công sức chăm sóc.
Được biết, người dân mua cây sả giống của doanh nghiệp như đã nêu trên với giá 14.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch sẽ bán lại cho doanh nghiệp theo giá cam kết là 2.800 đồng/kg, người dân ở đây tính toán sẽ có lợi nhuận cao hơn so với các loại cây khác đã trồng trước đây. Hiện nay phía doanh nghiệp không về mua như đã cam kết khiến các hộ trồng sả đứng ngồi không yên.
Đã qua vụ thu hoạch 3 tháng, cây sả bắt đầu lụi tàn và chết dần.
Sau khi nắm bắt sự việc, chính quyền hai xã nói trên đã gửi văn bản đến doanh nghiệp (theo địa chỉ ghi trong hợp đồng), với nội dung yêu cầu họ thực hiện cam kết thu mua sả. Tuy nhiên, sau đó, xã nhận được điện thoại của nhân viên bưu điện thông báo rằng phía doanh nghiệp luôn đóng cửa, không có người nhận thư nên phải chuyển trả lại thư cho bên gửi.
Theo người dân trồng sả tại 2 xã nói trên, mỗi hộ đã bỏ ra 2 - 3 triệu đồng để mua cây giống và và phân bón. Ngoài ra, họ cũng tốn rất nhiều công chăm sóc cây sả trong 6 tháng. Hiện tại, cây sả không bán được khiến họ bị thất thu, đất cũng đang “ngâm” cây sả nên không thể trồng cây khác. Để giúp người dân trồng sả thu hồi vốn, chính quyền địa phương đã liên hệ với một đơn vị chế biến dược liệu ở TP. Hà Tĩnh, nhờ họ mua sả cho bà con. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ mua với số lượng không đáng kể.
Phan Ấn
Bình luận