Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ năm, 09/05/2024 07:05
TMO - Theo báo cáo mới nhất của Copernicus - cơ quan giám sát khí hậu thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố, tháng 4/2024 đánh dấu một tháng nhiệt độ trung bình toàn cầu phá kỷ lục.
Copernicus cho biết: Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm các hình thái thời tiết cực đoan. Kể từ tháng 6 năm ngoái, nhiệt độ từng tháng đều được ghi nhận là cao hơn so với cùng thời gian các tháng này của những năm trước đó.
Ảnh minh họa.
Tháng 4 vừa qua cũng không phải là ngoại lệ khi cao hơn 1,58 độ C so với mức nhiệt trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Mặc dù đây là điều bất thường nhưng một chuỗi kỷ lục nhiệt độ toàn cầu hằng tháng tương tự cũng từng được ghi nhận vào năm 2015-2016. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình trong 12 tháng qua cũng cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt mục tiêu 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015) nhằm hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Dù hiện tượng El Nino đã đạt đỉnh vào đầu năm nay và đang dần suy yếu, nhưng nhiệt độ trung bình mặt nước biển vào tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao kỷ lục, đồng thời đánh dấu mức tăng tháng thứ 13 liên tiếp. Nhiệt độ đại dương ấm lên đe dọa sinh vật biển, đồng thời là một trong những tác nhân làm tăng độ ẩm trong khí quyển và làm suy giảm vai trò quan trọng của đại dương giúp hấp thụ khí thải nhà kính làm nóng hành tinh.
Tác động của thời tiết vào hệ sinh thái đại dương là rất nghiêm trọng. Sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt đã xảy ra vào đầu năm nay, mà các nhà khoa học cho biết vào thời điểm đó có thể là sự kiện tồi tệ nhất. Hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua, ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm các vùng rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Lê Vân
Bình luận