Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ hai, 11/03/2024 07:03
TMO - Dữ liệu vệ tinh từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu châu Âu (Copernicus) cho thấy nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu trong tháng 2 là 21,06℃, cao hơn kỷ lục trước đó là 20,98℃ được thiết lập vào tháng 8/2023.
Những biểu đồ do tổ chức này công bố cho thấy các khu vực rộng lớn trên đại dương trên thế giới ấm hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn. Đại Tây Dương đặc biệt ấm áp, bao gồm cả vùng biển xung quanh Vương quốc Anh.
Nhiệt độ các đại dương tiếp tục tăng cao.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã cảnh báo nhiệt độ nước biển hiện nay cao đến mức các rạn san hô trên thế giới phải đối mặt với sự kiện tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư. Căng thẳng nhiệt có thể khiến san hô trục xuất các loài tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng. Nếu không có tảo, chúng sẽ chuyển sang màu trắng và dễ bị bệnh tật, đói khát và cuối cùng chết đi. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của các hệ sinh thái rạn san hô vốn đã rất mong manh, khiến các bờ biển không được bảo vệ trước tình trạng xói mòn và các cơn bão.
Dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cũng cho thấy nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu đã phá kỷ lục trong tháng 2, lên mức 13,54℃, cao hơn 1,77℃ so với ước tính mức trung bình dài hạn trong tháng trong thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là lần thứ 9 liên tiếp kỷ lục nhiệt độ hàng tháng bị phá vỡ. Biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đã được tăng cường bởi hình thái thời tiết El Nino mạnh, với nhiệt độ nước biển cao ở Thái Bình Dương làm nóng bầu khí quyển.
Sự kiện El Nino mang tính chu kỳ đã ở mức đỉnh điểm vào tháng 12/2023 và hiện đang suy yếu, làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ trong những tháng tới. Các nhà khoa học tin rằng khí hậu thế giới sẽ ngày càng trở nên bất ổn nếu mức tăng nhiệt độ duy trì cao hơn 1,5℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp trong thời gian dài.
Lê Tâm
Bình luận