Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ hai, 18/09/2023 07:09
TMO - Số lượng du khách tới thăm núi Phú Sĩ ở Nhật Bản gia tăng trong thời gian gần đây, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng cùng nhiều vấn đề khác.
Núi Phú Sĩ nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka ở miền Đông Nhật Bản. Đây là địa điểm du lịch yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Giới chức Nhật Bản cho biết, họ có thể phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như hạn chế số lượng du khách tới thăm núi Phú Sĩ để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ này. Khi núi Phú Sĩ được công nhận Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2013, cơ quan cố vấn của UNESCO đã cảnh báo về tình trạng quá tải du lịch và tính cấp thiết của việc quản lý du khách.
Nhật Bản xem xét biện pháp hạn chế du khách tới núi Phú Sĩ.
Mùa leo núi hàng năm - bắt đầu từ tháng 7 - kéo dài chỉ vài tháng. Không chỉ ban ngày, những hàng dài du khách còn mang theo đèn pin leo qua lớp đá đen trên đường lên ngọn núi cao 3.776 mét vào ban đêm để ngắm mặt trời mọc sáng hôm sau. Trong năm nay, ngọn núi này đã thu hút khoảng 65.000 người đi bộ đường dài lên đỉnh, tăng 17% so với năm 2019. Sau đại dịch COVID-19, núi Phú Sĩ đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan. Trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, giới chức đang lo ngại vấn nạn môi trường ở ngọn núi nổi tiếng này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Trên thực tế, tình trạng quá tải du khách ở núi Phú Sĩ ngày càng trầm trọng. Điển hình, Subaru, trạm dừng chân thứ 5, có quy mô lớn nhất ở núi Phú Sĩ, đã đón khoảng 4 triệu du khách trong mùa hè năm nay, tăng 50% so với năm 2013. Dù những người lao công, doanh nghiệp và tình nguyện viên đã tăng cường dọn dẹp, song mạng xã hội vẫn đầy rẫy hình ảnh về các phòng vệ sinh bẩn, và những đống rác dọc theo con đường leo núi.
Việc du khách cố leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất của Nhật Bản để đón bình minh và đi xuống trong cùng ngày cũng là vấn đề lớn. Theo cảnh sát tỉnh Shizuoka, tính tới hiện tại, tổng số yêu cầu giải cứu trong năm nay là 61 trường hợp, tăng 50% so với năm 2022, trong đó khách du lịch không phải người Nhật chiếm 1/4. Ngoài vấn đề trượt chân, hầu hết du khách đều không chuẩn bị trước, nên họ bị hạ thân nhiệt hoặc say độ cao.
Minh Vân
Bình luận