Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 04/04/2025 05:04
Thứ năm, 03/04/2025 06:04
TMO - Luật khẩn cấp về cung cấp lương thực ở Nhật Bản được triển khai nhằm tăng cường khả năng đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Theo luật này, 12 mặt hàng bao gồm gạo, thịt, đậu nành, lúa mì, đường, trứng và các sản phẩm từ sữa được phân loại là thực phẩm thiết yếu.
Luật mới về các biện pháp khẩn cấp cung cấp thực phẩm tại Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4/2025. Luật mới trao quyền cho Chính phủ Nhật Bản yêu cầu nông dân trình bày kế hoạch tăng sản lượng các mặt hàng lương thực thiết yếu như gạo trong trường hợp nguồn cung lương thực trong nước suy giảm và giá cả tăng đột biến. Luật mới được ban hành trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa mì của châu Âu.
Theo luật này, 12 mặt hàng bao gồm gạo, thịt, đậu nành, lúa mì, đường, trứng và các sản phẩm từ sữa - được phân loại là thực phẩm thiết yếu. Chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo cung cấp đủ phân bón và thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp nguồn cung các mặt hàng lương thực thiết yếu giảm từ 20% trở lên so với mức trung bình và giá cả tăng đột biến, luật mới trao quyền cho Chính phủ Nhật Bản có quyền yêu cầu nông dân và các doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm xây dựng và trình bày kế hoạch tăng sản lượng, tăng cường nhập khẩu hoặc tăng khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
Một gian hàng gạo ở Nhật Bản.
Luật này cũng quy định rõ ràng các hình phạt đối với việc không tuân thủ các yêu cầu này. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ không áp dụng các biện pháp trên nếu nguồn cung trong nước có thể được bù đắp bằng nhập khẩu. Đối với gạo, Chính phủ Nhật Bản chưa cân nhắc đến việc yêu cầu nông dân và các doanh nghiệp tham gia phân phối lập kế hoạch mở rộng sản xuất vì nguồn cung gần đây đã tăng.
Tại Nhật Bản, giá lương thực, thực phẩm đang trên đà tăng mạnh, đặc biệt là giá gạo đã tăng vọt 80,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm 2024, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1971.
Theo một dự thảo được công bố cùng ngày, Nhật Bản cũng có kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ Yen (tương đương 134 tỷ USD) trong 5 năm kể từ năm tài chính 2026 để tăng cường khả năng phục hồi của đất nước trước tác động của các thảm họa thiên nhiên.
Ngô Yến
Bình luận