Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 03:01
Thứ bảy, 06/05/2023 06:05
TMO - Phát thải khí nhà kính của Nhật Bản tăng trong bối cảnh hoạt động công nghiệp trong nước phục hồi.
Theo số liệu được Bộ Môi trường Nhật Bản công bố, trong năm tài chính 2021-2022, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại đất nước này tăng lên mức tương đương 1,17 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) so với 1,15 tỷ tấn một năm trước đó.
Đây là lần đầu tiên trong 8 năm Nhật Bản ghi nhận phát thải khí nhà kính tăng vọt. Trong năm tài chính 2020-2021, lượng khí thải của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi quá trình thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1990-1991. Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, nguyên nhân dẫn đến lượng khí thải gia tăng trong năm 2021-2022 bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng vọt trong quá trình phục hồi kinh tế sau sự sụt giảm do đại dịch.
Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần Tokyo, Nhật Bản.
Báo cáo của Bộ Môi trường cũng nêu rõ, lượng khí nhà kính được hấp thụ bởi rừng và các nguồn khác trong năm 2021-2022 là 47,6 triệu tấn, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 4 năm. Năng lượng tái tạo chiếm 20,3% trong tổng số 1,03 nghìn tỷ kWh điện được tạo ra, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm trước. Bên cạnh đó, năng lượng hạt nhân cũng tăng 3 điểm phần trăm lên 6,9%, trong khi nhiệt điện chiếm 72,8%, giảm 3,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Nhật Bản là quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ 5 thế giới, quốc gia này đặt mục tiêu giảm 46% tổng lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2013. Nếu những nỗ lực này trở thành hiện thực, phát thải khí nhà kính của Nhật Bản sẽ giảm xuống còn tương đương 0,76 tỷ tấn CO2 vào cuối thập kỷ này.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản không chỉ tại nước này, các quốc gia khác thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) như Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ, cũng ghi nhận lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính gia tăng trong năm 2021. Mỹ thải ra 5,59 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, trong khi Đức thải ra 760 triệu tấn, Canada 650 triệu tấn, Anh 430 triệu tấn, Pháp 400 triệu tấn và Italy 390 triệu tấn.
Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn về việc phải duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Thu Thảo
Bình luận