Hotline: 0941068156
Thứ hai, 05/05/2025 13:05
Chủ nhật, 04/05/2025 16:05
TMO - Trước nguy cơ xảy ra một trận siêu động đất tại rãnh Nankai với khả năng cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người, Nhật Bản chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó ở cấp độ cao nhất.
Rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, từ đảo Kyushu đến tỉnh Shizuoka. Nếu một mảng bị ép dưới một mảng khác, sức căng sẽ tích tụ tại ranh giới giữa 2 mảng. Khi sức căng quá nhiều, các mảng sẽ đột ngột rung chuyển và giải phóng năng lượng dưới dạng sóng địa chấn, sẽ tạo thành siêu động đất có thể lên tới 9 độ hoặc cao hơn.
Do ảnh hưởng của siêu động đất, tại 10 trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản sẽ chịu rung chấn trên 7 độ, 24 địa phương là trên 6 độ. Tại 2 tỉnh Kochi và Shizuoka sẽ có sóng thần cao tới 30m, 13 tỉnh khác là 10m, và thủ đô Tokyo sẽ bị nhấn chìm trong 3m nước. Các chuyên gia cảnh báo, trận địa chấn này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong 30 năm tới, kéo theo sóng thần khổng lồ và hậu quả thảm khốc chưa từng có.
Nhật Bản lên phương án ứng phó với nguy cơ xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai.
Siêu động đất sẽ gây những thiệt hại khó tưởng tượng về người và tài sản, với khoảng gần 300.000 người thiệt mạng, hơn 12 triệu người mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 270.000 tỷ yên (khoảng 1.800 tỷ USD), gấp 2 lần ngân sách nhà nước của Nhật Bản. Đặc biệt, hệ lụy do thảm họa sẽ kéo dài nhiều chục năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sửa đổi kế hoạch phòng chống thiên tai để chỉ định các khu vực ưu tiên bổ sung dựa trên vùng nguy cơ lũ lụt mở rộng, đồng thời xây dựng một kế hoạch phục hồi quốc gia mới cho tài khóa 2026 đến 2030 để đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, một cơ quan mới về phòng chống thiên tai cũng sẽ được thành lập vào tài khóa 2026.
Với vị trí địa lý sát biển, trận động đất ở Nankai gần như chắc chắn sẽ kéo theo sóng thần, làm tăng mức độ thiệt hại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Việc phổ cập kỹ năng thoát hiểm và hướng dẫn đường di tản lên cao, bao gồm cả cho những người không nói tiếng Nhật, được coi là yếu tố sống còn. Các chuyên gia cho biết, nếu mọi người lập tức di tản sau trận động đất, số người chết vì sóng thần có thể giảm tới 70%.
Để giảm thiểu thiệt hại, từng người dân cần chủ động gia cố nhà cửa, cố định các vật dụng nặng và chuẩn bị sẵn các phương án đối phó khi có thiên tai. Không chỉ các hành động lớn mới cứu được mạng sống. Yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, mở rộng các buổi huấn luyện thoát hiểm và tăng cường tiếp cận thông tin thiên tai bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều này không chỉ hỗ trợ người dân địa phương mà còn giúp bảo vệ hàng triệu du khách và lao động nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại quốc gia này.../.
Trần Bình
Bình luận