Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ hai, 18/07/2022 21:07
TMO - Trước nguy cơ thiếu hụt các nguồn năng lượng, Nhật Bản đang tính toán nhiều giải pháp tăng nguồn cung, đồng thời kêu gọi tiết kiệm điện và khí đốt.
Theo thống kê, trong cơ cấu nguồn điện của Nhật Bản thì điện khí đứng đầu, sau đó là đến nhiệt điện than và các nguồn điện khác. Trong đó, điện hạt nhân chiếm khoảng 6%, giảm đáng kể sau sự cố Fukushima.
Đầu tháng 6, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình trên cả nước tiết kiệm điện do khả năng thiếu điện trong mùa Hè và mùa Đông này. Theo Cơ quan Điều phối Truyền tải điện khu vực của Nhật Bản - OCCTO, trong trường hợp mùa đông khắc nghiệt, tỷ lệ dự trữ trong khu vực quản lý thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO Holdings) vào tháng 1/2023 là âm 0,6%.
Ngày 27/6, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các hộ gia đình và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thủ đô Tokyo và khu vực lân cận sử dụng điện tiết kiệm trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nước này đang đối mặt với mùa Hè nắng nóng kéo dài do mùa mưa kết thúc sớm.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra hướng dẫn sử dụng điện chưa từng có tiền lệ, trong đó hối thúc người dân sinh sống trong khu vực mà mạng lưới điện do Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cung cấp, thực hiện tiết kiệm sử dụng điện trong khoảng thời gian từ 15h đến 18h ngày 27/6.
Nhật Bản tính toán các phương án tiết kiệm nguồn năng lượng là điện và khí đốt (Ảnh minh họa: CNN)
Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ có 9 lò phản ứng hạt nhân hoạt động vào mùa Đông năm nay nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ổn định trong thời gian cao điểm tiêu thụ điện.
Ngoài ra, Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai chương trình hỗ trợ tiền điện và khuyến khích người dân tiết kiệm điện từ tháng 8. Theo đó, Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ tiền điện cho người dân dựa vào số “Điểm tiết kiệm điện” mà người dân tích lũy được từ các nhà bán lẻ điện.
Sau điện thì khí đốt là một trong những nguồn năng lượng chính cho sinh hoạt và sản xuất tại Nhật Bản đang có nguy cơ thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang xem xét đưa ra một cơ chế tiết kiệm khí đốt. Cơ chế này sẽ được luật hóa và thực hiện theo 3 giai đoạn, tùy vào mức độ thiếu hụt của nguồn cung.
Cụ thể giai đoạn 1 sẽ kêu gọi sự tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện, giai đoạn 2 sẽ yêu cầu tiết kiệm theo từng khu vực cụ thể như đối với các doanh nghiệp lớn và giai đoạn 3 sẽ ban hành lệnh tiết kiệm khí đốt, có hình phạt nếu không tuân thủ.
Khánh Nam
Bình luận