Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 05/08/2023 12:08
TMO - Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, thời gian qua các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khi tận dụng và phát huy tối đa nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng nước tiết kiệm, cải thiện độ màu mỡ của đất, giảm phát thải khí nhà kính, tạo sản phẩm sạch an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã công bố 19 mô hình sản xuất hiệu quả ở 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay. Cụ thể, 4 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt gồm: sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, trồng cây mít Thái sử dụng phân hữu cơ sinh học tưới nước tiết kiệm, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, trồng lạc sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm.
Địa phương này xác định, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng là việc áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm, bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng cạn hoặc tưới ướt (ngập) - khô xen kẽ cho cây lúa phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến trong nông nghiệp Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, gồm: Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019, Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 27/02/2023 và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021.
Cụ thể nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính theo phương pháp ngập - khô xen kẽ và sử dụng phân bón thông minh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón thông minh, nhưng không quá 5.000.000 đồng/1,0 ha.
Hỗ trợ một lần 30% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị sản xuất, đường ống nhựa phục vụ cho việc tưới tiêu; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật sản xuất an toàn. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 300.000.000 đồng/cơ sở. Hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới hở và hệ thống tưới phục vụ sản xuất rau an toàn 50.000 đồng/m2, nhưng không quá 50.000.000 đồng/cơ sở. Hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới kín và hệ thống tưới phục vụ sản xuất rau an toàn 100.000 đồng/m2, nhưng không quá 100.000.000 đồng/cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách.
Tỉnh triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước, như: Mô hình trồng táo trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Trà Cú; Mô hình trồng mãng cầu ta (na) Thái sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè; Mô hình trồng vú sữa Mica sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Cầu Kè; Mô hình trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Châu Thành; Mô hình trồng rau-màu trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun tại huyện Duyên Hải; Mô hình trồng cây ớt sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ tại huyện Cầu Ngang,…
Đã có khoảng 22 ha cây trồng cạn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được hưởng chính sách hỗ trợ gần 600 triệu đồng, dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục hỗ trợ 90 ha với kinh phí trên 3.500 triệu đồng; sản xuất rau an toàn trên 55 ha, kinh phí khoảng 2.500 triệu đồng; tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa gần 80 ha. Kết quả áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đem lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống. Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Châu Thành, tổng thu cao hơn khoảng 30% so với đối chứng.
Lĩnh vực chăn nuôi có 6 mô hình gồm: nuôi gà thịt có bổ sung thảo dược nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh; chăn nuôi lợn thịt giống ngoại nhập theo hướng an toàn sinh học; nâng cao chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo sử dụng giống bò chuyên thịt năng suất cao; mô hình nâng cao năng suất chất lượng bò thịt sử dụng tinh phân ly giới tính (đực) bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo và liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi vịt siêu nạc Grimaud trên cạn theo hướng an toàn sinh học; chăn nuôi lợn cái sinh sản giống ngoại theo hướng an toàn sinh học.
Ở lĩnh vực thủy sản có 9 mô hình gồm: nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường; nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (tôm- rừng) kết hợp nuôi vọp;mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao; nuôi tôm càng xanh xen canh lúa; mô hình nuôi cá lóc thâm canh 2 giai đoạn kết hợp siphong đáy; nuôi cá thát lát kết hợp cá sặc rằn; nuôi tôm sú kết hợp nuôi cá rô phi trong vèo; nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh lúa theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, nhiều năm nay tại huyện Châu Thành nông dân ở địa phương đã thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ - tôm càng xanh hoặc chuyên nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích gần 700 ha. Mùa vụ năm 2022, hầu hết nông dân nuôi tôm càng xanh đều có lãi cao nhờ giá tôm càng xanh thương phẩm ổn định ở mức từ 230.000 - 250.000 đồng/kg loại 7 - 10 con/kg; tôm loại 11 - 14 con/kg có giá 200.000 đồng/kg, tôm loại 15 - 17 con/kg có giá 160.000 đồng/kg. Bình quân 1 ha đất sản xuất mô hình lúa - tôm càng xanh cho sản lượng tôm thu hoạch từ 350 - 400 kg/ha/vụ. Với mức giá tôm càng thương phẩm như hiện nay, nông dân có thu nhập lãi ròng khoảng 70 triệu đồng từ tôm càng xanh, chưa tính nguồn thu từ lúa hữu cơ.
Mô hình sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm thẻ (tôm sú) - 1 vụ tôm càng đang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân ở vùng nước lợ thực hiện thay cho sản xuất 2 vụ lúa trong năm hoặc chuyên nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 vụ /năm gặp nhiều rủi ro về xâm nhập mặn và dịch bệnh trên tôm do biến động môi trường nước. Mô hình 1 vụ lúa - 1vụ tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm sú - 1 vụ tôm càng được sản xuất theo phương thức sạch, sản phẩm bán ra với giá cao, nông dân sản xuất bền vững và đảm bảo được lợi nhuận.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ - tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế ổn định tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).
Các mô hình sản xuất công bố đã được thử nghiệm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thông các mô hình sản xuất này giúp người dân thay đổi dần nhận thức và tập quán sản xuất, ứng dựng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hạn chế việc ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khi tận dụng và phát huy tối đa nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng nước tiết kiệm, cải thiện độ màu mỡ của đất, giảm phát thải khí nhà kính, tạo sản phẩm sạch an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xuất hiện và lây lan trên diện rộng. Giá cả thị trường không ổn định, thường dao động ở mức thấp. Những điều này đang làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp các địa phương sẽ cử cán bộ nông nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình; cũng như, vận động các hộ tham tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất tập trung để dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Trà Vinh huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện chương trình khuyến nông. Tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng 15 mô hình khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Lĩnh vực trồng trọt có 7 mô hình trình diễn gồm: trồng màu (ngô, dưa hấu, ớt…) sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ; phát triển cây lạc theo hướng an toàn tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; trồng táo trong nhà lưới theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu và kết hợp du lịch; trồng nho theo hướng an toàn thích ứng biến đổi khí hậu và kết hợp du lịch; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất cho tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; trồng xen dứa trong vườn dừa; trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lĩnh vực chăn nuôi xây dựng 5 mô hình trình diễn gồm nuôi bò vỗ béo kết hợp ủ chua thức ăn liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ; chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng an toàn sinh học phục vụ công tác tái đàn trên địa bàn tỉnh; chăn nuôi lợn rừng lai theo hướng an toàn sinh học gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; duy trì và phát triển giống gà ta nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Lĩnh vực thủy sản xây dựng 3 mô hình gồm: Ứng dụng số hóa trong nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn kết hợp xử lý môi trường bằng hầm Biogas; nuôi lươn thương phẩm theo quy trình lọc tuần hoàn; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lót bạt bờ, sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp siphong đáy (giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý chất thải lắng tụ trong ao nuôi).
Thanh Hà
Bình luận