Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ ba, 10/05/2022 11:05
TMO - Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, ngày 9/5 nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” chính thức được công bố bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là cơ hội lớn giúp chè Thái Nguyên nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè.
Trước đó, vào năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh được bảo hộ. Các nhãn hiệu này đã góp phần nâng cao giá trị và thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường đối với các sản phẩm chè Thái Nguyên.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, trong đó có nhiều vùng sản xuất chè tập trung như vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Đại Từ, Phú Lương. Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh có chính sách hỗ trợ, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống nên diện tích chè giống mới đạt hơn hơn 80%.
Chè Thái Nguyên đang từng bước khẳng định được chất lượng tại các thị trường quốc tế
Với việc áp dụng kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, đến nay năng suất bình quân đạt 123,8 tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến của toàn tỉnh đạt khoảng 50 nghìn tấn.
Tại thị trường trong nước, sản lượng tiêu thụ chè Thái Nguyên đạt gần 40.000 tấn, với giá tiêu thụ luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định ở mức từ 120-220 nghìn đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; từ 280-450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2,5-3 triệu đồng/kg. Trong khi đó, xuất khẩu chè chỉ chiếm khoảng 20%, giá thành thấp, dao động từ 1,7-2 USD (khoảng 37-44 nghìn đồng)/kg và hầu hết mới ở dạng nguyên liệu thô.
Tỉnh Thái Nguyên xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng mới 1.100 ha chè, trồng thay thế 1.050 ha, đạt diện tích 23.500 ha, chiếm 85% là cơ cấu giống chè trồng mới, trồng thay thế gồm chè Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, LDP1, TRI777...
Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao năng lực chế biến chè để đảm bảo chất lượng sản phẩm
Những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển sản phẩm đa dạng, an toàn, chất lượng kết hợp với tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên được đặc biệt quan tâm.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thời gian tới địa phương này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường nước ngoài tiềm năng; xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Bích Hà
Bình luận