Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ bảy, 15/10/2022 13:10
TMO - Nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn so với nhu cầu thực tế khoảng 33 triệu tấn/năm. Điều này cho thấy mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu khoảng trên 20 tấn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Trong giai đoạn (2015 – 2020), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định. Tuy nhiên giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay, trong đó giá ngô và giá khô dầu đậu tương tăng cao nhất. Đến tháng 3/2022 là thời điểm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất, giá ngô và bã ngô tăng 80-95% so với thời điểm chưa tăng giá (năm 2019); khô dầu đậu tương tăng khoảng 71%, thức ăn bổ sung tăng 46-50%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 33-40%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nông sản thế giới đã thiết lập mặt bằng giá mới, trong đó có mặt hàng lúa, gạo của Việt Nam.
Ngô đồng là một trong những loại cây trồng sau khi thu hoạch, cây, lá, cùi ngô được tận dụng dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Đến thời điểm tháng 8/2022, giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3/2022. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn so với tháng 8/2021 tương ứng là 2,5%; 11,7% và 8,5%. Giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.
Trong khi đó, hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%).
Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi, trong 8 tháng năm 2022, ước tính đã nhập khẩu 12,34 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 5,97 tỷ USD (giảm 26,3% về số lượng và 3,2% về giá trị ). Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm do giá nguyên liệu thế giới tăng nên các doanh nghiệp đã sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhiều hơn (tấm gạo, cám gạo và sắn) để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Việc phải nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do so với thế giới, sản lượng ngô, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,4% và 0,02%) chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế về sản xuất gạo và gạo có thể thay thế một phần ngô làm thức ăn chăn nuôi mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chăn nuôi, tuy nhiên, khi thay thế ngô bằng thóc, gạo, hiệu quả kinh tế đã giảm tới 33,2% do giá thóc, gạo cao hơn giá ngô. Để có thể thay thế ngô bằng thóc, gạo một cách có hiệu quả thì giá thóc, gạo phải thấp hơn giá ngô tối thiểu 2,7- 26,4%.
Việt Nam là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, do đó nguồn nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất chế biến sản phẩm này đang còn rất nhiều hạn chế dẫn đến lãng phí và buộc phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi từ nước ngoài.
Còn nữa
Lý Lan
Bình luận