Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 26/03/2024 08:03
TMO - Thời gian qua, trên địa bàn một số địa phương xảy ra nhiều trận động đất, tuy những trận động đất không gây ảnh hưởng do cường độ thấp, nhưng cũng cần nắm vững những kỹ năng để ứng phó.
Các khu vực nguy cơ cao xảy ra động đất như huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, người dân cần chủ động nắm bắt các kỹ năng ứng phó.
Giữ bình tĩnh và bảo vệ chính mình
Khi nhận được tin cảnh báo sớm của cơ quan chức năng thì chủ động mở cửa ra, vào và cửa sổ để đảm bảo lối thoát hiểm. Tuy nhiên cần tránh xa khu vực cửa kính bởi nếu động đất mạnh, cửa kính bắn vỡ sẽ gây nguy hiểm. Nếu xuất hiện thêm dư chấn hãy nhanh chóng thoát nạn ra ngoài. Trong trường hợp không kịp thoát ra ngoài hãy ẩn dưới gầm bàn, tủ, giường, khu vực kiên cố gần nhất để tránh đồ đạc và đồ vật từ trên cao rơi vào cơ thể. Nếu đang ngủ, hãy ở yên trên giường, nằm úp xuống và dùng gối bảo vệ phần đầu.
Dừng xe ngay nếu đang lưu thông
Khi động đất xảy ra hãy dừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe. Tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện. Di chuyển cẩn trọng sau khi mặt đất ngừng rung chuyển. Tránh di chuyển trên đường, cầu, dốc bị hỏng hóc, sụt lún do động đất gây hư hại.
Tránh xa khu vực công trình có nguy cơ đổ sập
Hướng dẫn và cùng mọi người tránh xa khỏi khu vực có nhiều nhà cao tầng hoặc các công trình cao tầng, do dư chấn có thể tiếp tục xảy ra khiến các khu vực đó có nguy cơ sập, đổ gây nguy hiểm tới tính mạng con người.
Chữa cháy ngay nếu xảy ra cháy nổ
Nếu có cháy, nổ, tai nạn sự cố xảy ra hãy hô hoán mọi người cùng nhau dập lửa và cứu người, đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114 để kịp thời xử lý tình huống.
Chấp hành hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương
Tuân thủ các quy tắc trong sinh hoạt cộng đồng tại khu vực di tản, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Luôn luôn đề phòng việc ăn, uống hay sinh hoạt chung, để ý đến người già và trẻ nhỏ tránh trường hợp dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục cảnh giác với dư chấn.
Che chắn mũi miệng nếu bị mắc kẹt trong đống đổ nát
Nếu bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, dùng khăn hoặc quần áo che chắn mũi, miệng và dùng các biện pháp thu hút sự chú ý của những người xung quanh và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
Dự trữ nhu yếu phẩm hàng ngày
Nếu bạn ở những khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất, bạn cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm có hạn sử dụng lâu dài, để ở khu vực dễ thấy, dễ lấy đề phòng khi có động đất xảy ra.
Thông thường sẽ không có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong những ngày đầu sau khi thảm họa xảy ra. Do đó, hãy chủ động tích trữ nhu yếu phẩm chủ động phục vụ giúp đỡ gia đình mình và những người xung quanh để khắc phục khó khăn trước mắt. Thu thập thông tin thiên tai và thông tin thiệt hại chủ động báo cho chính quyền địa phương.
Động đất là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động…Có 3 nhóm nguyên nhân gây ra các trận động đất là do hiện tượng sụt lở các lỗ rỗng trong vỏ quả đất; núi lửa phun trào; các vận động bên trong trái đất làm tích tụ năng lượng tại vùng phát sinh động đất và được gọi là động đất kiến tạo. Trên 90% các trận động đất quan trắc được đều thuộc loại động đất kiến tạo.
Tại Việt Nam mức độ động đất từ 4 - 4,9 độ được đánh giá là các trận động đất nhẹ. Cách đây hàng chục năm, từng có ba trận động đất mạnh ghi nhận tại Việt Nam có cường độ từ 5,3 đến 6,9 độ richter (xảy ra vào năm 1935, 1983, 2001). Vào sáng ngày 25/3 tại Hà Nội cũng ghi nhận động đất nhẹ với cường độ 4 độ richter.
Mặc dù trong thời gian gần đây, động đất ở nước ta không gây thiệt hại về tính mạng con người, tuy nhiên người dân cần hết sức chú ý, luôn có những biện pháp phòng tránh, ứng phó trong trường hợp xảy ra động đất.
Thùy Dung
Bình luận