Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 17/11/2024 02:11
Thứ tư, 21/09/2022 22:09
TMO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo và bảo đảm lợi ích người nông dân.
Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo Công văn, ngày 15/9/2022, báo chí có phản ánh về thông tin: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo?”: Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022). Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực…
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin nêu trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu giải pháp ổn định thị trường lúa gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Ảnh: Cửu Long
Ngày 8/9, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu và đánh thuế 20% đối với các giống gạo khác (trừ gạo basmati và gạo đồ), chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu). Ấn Độ hiện xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% vào tổng thương mại gạo toàn cầu, do đó, sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của Ấn Độ có thể sẽ gây áp lực và khiến giá gạo thế giới tăng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu với gạo Việt ngày càng tăng có thể thúc đẩy giá gạo tăng theo, sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.
Trong tháng 8/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm 12,6% về lượng và giảm 16,7% kim ngạch so với tháng 7/2022, đạt 309.543 tấn, tương đương 138,21 triệu USD; nhưng tăng 13,4% về lượng, tăng 4% kim ngạch, giảm 8,2% về giá so với tháng 8/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 8/2022 tăng rất mạnh 96% về lượng và tăng 82% kim ngạch so với tháng 7/2022, đạt 54.223 tấn, tương đương 26,47 triệu USD; so với tháng 8/2021 thì giảm mạnh 40,4% về lượng, giảm 30,6% kim ngạch.
Tính chung cả 8 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, tương đương trên 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 486,5 USD/tấn, giảm 9%.
Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu quốc tế
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn, tương đương 1,06 tỷ USD, giá trung bình 464,6 USD/tấn, tăng mạnh 49% về lượng, tăng 33,9% về kim ngạch nhưng giảm 10,2% về giá so với 8 tháng đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 10,9% trong tổng lượng và chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, đạt 520.445 tấn, tương đương 269,21 triệu USD, giá trung bình 517,3 USD/tấn, giảm 29% cả về lượng và kim ngạch; giá tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 488.493 tấn, tương đương 221,63 triệu USD, giá 453,3 USD/tấn, tăng mạnh 86,2% về lượng và tăng 65% kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ, chiếm 10% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Để đạt mục tiêu về đích xuất khẩu gạo năm 2022 với 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Hà Phương
Bình luận