Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 13:09
Thứ năm, 29/08/2024 15:08
TMO - Cây muỗm cổ thụ hơn 360 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nằm trong khuôn viên Nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa, thuộc thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Nghi Xuân được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Trước đó, vào chiều 28/8 dòng họ Phan Tôn Chu ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận cây muỗm hơn 360 năm tuổi ở thôn Phú Vinh là Cây Di sản Việt Nam.
Tới tham dự buổi lễ, đồng thời trao Bằng, Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho chính quyền địa phương và dòng họ Phan Tôn Chu, có PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã Cổ Đạm cùng đông đảo con cháu dòng họ Phan Tôn Chu tham dự.
PGS.TS. Trần Ngọc Hải (ngoài cùng bên trái) trao Bằng, Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện dòng họ Phan Tôn Chu.
Tại buổi lễ, PGS.TS.Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi chính quyền địa phương cùng người dân, đặc biệt là dòng họ Phan Tôn Chu đã bảo tồn, giữ gìn được cây muỗm quý đến ngày hôm nay. Do đó cộng đồng nơi đây, nhất là dòng họ Phan Tôn Chu cần tiếp tục chăm sóc cây muỗm Di sản để cây trường tồn lâu dài với nhiều thế hệ mai sau.
Cây muỗm có chiều cao 30m, chu vi tán gần 71m.
Theo thông tin từ Ban tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam, dựa theo các tài liệu và câu đối trong thượng điện, nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa được xây dựng vào năm Quý Dậu (1573). Tại đây, các tiền nhân đã trồng nhiều cây có giá trị, trong đó có cây muỗm. Cây muỗm tính đến nay ít nhất cũng khoảng hơn 360 năm tuổi, chiều cao 30m, chu vi tán gần 71m. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời gian, cây muỗm đã trở thành minh chứng cho sự trưởng thành, dựng xây nghiệp lớn, đưa dòng họ Phan Tôn Chu phát triển.
Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND xã Cổ Đạm chia sẻ: Sự kiện công nhận cây muỗm cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giúp lan tỏa rộng khắp về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Đồng thời góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn...
Lãnh đạo xã Cổ Đạm cũng bày tỏ mong muốn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quan tâm hơn nữa đến địa phương, có thêm sự hướng dẫn, tư vấn để địa phương thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo tồn cây cổ thụ, đặc biệt là những cây cổ thụ đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn.
Trước đó, ngày 6/8/2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ban hành Quyết định 272/QĐ-HMTg công nhận cây muỗm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa tại thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là Cây Di sản Việt Nam.
Được biết Nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa thuộc làng Phú Giáo, tổng Cổ Đạm, nay là thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà thờ được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Hiện trong nhà thờ còn lưu giữ 2 sắc phong và nhiều hiện vật, đồ thờ, hoành phi quý hiếm.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận