Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 27/12/2024 01:12
Thứ năm, 05/12/2024 06:12
TMO - Để đảm bảo kinh tế, ổn định đời sống cho bà con nhân dân, tỉnh Nghệ An đang nỗ lực, ưu tiên triển khai, giải quyết các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định cụ thể về trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, nay không còn đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất thì được xem xét để giao đất phục vụ cho nhu cầu ở cũng như sản xuất.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước: Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Đồng thời quy định, có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, để bảo đảm ổn định cuộc sống như: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Do đó, người đồng bào bào dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách ưu tiên về đất đai để đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên thực tế, tại tỉnh Nghệ An đồng bào bào dân tộc thiểu số vẫn còn thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Thông tin từ Lãnh đạo UBND xã Tri Lễ (Quế Phong, tỉnh Nghệ An), hiện ở 5 bản dọc biên giới (gồm Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, Pà Khốm) có 53 hộ đồng bào Mông đang thiếu đất sản xuất.
Do thiếu sinh kế và thu nhập, nên hầu hết các hộ này đều rơi vào diện nghèo và cận nghèo. Tại địa phương chỉ có người già và trẻ nhỏ, gây ra nhiều vấn đề xã hội, nhất là chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Cũng ở huyện Quế Phong, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng đang xảy ra tại xã Nậm Giải.
Lãnh đạo UBND xã Nậm Giải cho rằng, đất đai là tư liệu sản xuất, là sinh kế đặc biệt quan trọng đối với đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số khi chưa có các nguồn thu nhập khác từ ngành nghề, dịch vụ. Tuy nhiên, do nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nên đất rẫy, đất ruộng quá ít. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân. Những hộ thiếu đất sản xuất lại rơi vào hộ nghèo, cận nghèo.
Tại huyện Tương Dương, Lãnh đạo UBND huyện thông tin, tính đến thời điểm tháng 8/2024, qua khảo sát sơ bộ, toàn huyện đang có khoảng 3.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất ở và khoảng 1.650 hộ không có đất ở.
Về đất sản xuất, toàn huyện có khoảng 6.700 hộ còn thiếu đất và khoảng 3.200 hộ chưa có đất nông nghiệp. Theo tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tại 9 địa phương gồm Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa, hiện có khoảng 2.427 hộ đồng bào chưa có đất ở hoặc thiếu đất ở và có khoảng 15.453 hộ thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất.
Đồng bào dân tộc thiểu số canh tác, sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Vấn đề đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm với việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang song hành triển khai hai dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” và dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”.
Đây cũng là cơ sở để giải quyết dần những bức xúc về thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất đang đặt ra trong thực tiễn. Trong năm 2024, có 86 hộ được phê duyệt hỗ trợ nhà ở (trong đó, có 45 căn nhà đã hoàn thành, 30 căn đang xây dựng và 11 căn chuẩn bị khởi công) và 725 hộ dân thuộc 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, được hỗ trợ đất sản xuất; đồng thời triển khai đầu tư xây dựng 4 dự án định canh, định cư với quy mô bố trí tái định cư đối với 298 hộ tại 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024 quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện”; UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Trên cơ sở dự thảo nghị quyết được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 25 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2024. Vấn đề được Ban Dân tộc HĐND tỉnh quan tâm là trong điều kiện quỹ đất ở các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn hẹp, thì về nguyên tắc hỗ trợ cần xác định rõ thứ tự ưu tiên giải quyết giao đất lần đầu trước.
Đồng thời cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với đối tượng được giao đất ở, đất sản xuất, tránh chuyển nhượng sau khi được giao đất. Mặt khác cần đảm bảo chặt chẽ các nội dung quy định trong dự thảo nghị quyết, đúng đối tượng, giải quyết những bức xúc, khó khăn về đất đai đang đặt ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xác định hạn mức hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, bên cạnh đáp ứng đủ nhu cầu thì cũng cần phù hợp với điều kiện cụ thể vùng miền núi khó khăn về diện tích đất bằng...
Công tác ưu tiên giải quyết chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoàn toàn đúng đắn. Đây là giải pháp quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, từ đó ổn định đời sống kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Thuỳ Giang
Bình luận