Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 13:11
Thứ ba, 19/11/2024 06:11
TMO - Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại tỉnh Nghệ An. Do đó, địa phương đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ, đồng thời ưu tiên kinh phí mua Vaccine nhằm ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 244 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, thành, thị với tổng số lợn buộc tiêu hủy 9.955 con; dịch xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Để triển khai các biện pháp chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 08/8/2024, Công điện khẩn số 43/CĐ-UBND ngày 30/10/2024 chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Hiện nay, toàn tỉnh đang còn trên 60 ổ Dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.
Đáng chú ý, để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại, khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân, UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp tục ban hành Chỉ thị 45/CT-UBND về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, tại các địa phương, cấp huyện, xã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Các địa phương tổ chức nghiêm ngặt khâu phòng, chống dịch bệnh nhất là những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch; xử lý tiêu huỷ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết đúng theo quy định và hướng dẫn về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Song song đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Lực lượng này cũng phải rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động mua vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng cho đàn lợn thịt. UBND cấp huyện cũng phải ưu tiên điều chỉnh kế hoạch, bố trí kinh phí mua vaccine dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức tiêm phòng đồng bộ.
Các hộ chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh hoạ).
Nếu phát hiện trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh thì phải xử lý nghiêm, đồng thời Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để bùng phát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Chính quyền địa phương phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như nguy cơ dịch bệnh lây lan, tái phát và biện pháp phòng chống dịch bệnh; sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng cho đàn lợn thịt.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra khâu phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh, triển khai biện pháp tăng đàn, tái đàn, khôi phục sản xuất bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các đơn vị này cũng tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh kinh phí mua vaccine dịch tả lợn châu Phi cấp cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng đồng bộ.
Lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh tả lợn châu Phi ở những địa phương đang có dịch cần hạn chế thương lái đến thu mua lợn của dân. Người dân cũng không nên sử dụng thức ăn thừa và cho lợn uống nước ao, hồ, sông, suối.
Thời điểm này người dân cũng nên hạn chế tài đàn. Khi tái đàn, người dân cần lưu ý trên địa bàn không phát sinh thêm ổ dịch sau 15 ngày và phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại đúng quy định. Bên cạnh đó, khi mua con giống cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh lợn con bị nhiễm bệnh lây lan sang những con khác. Ngoài ra, lực lượng công an các cấp theo dõi tình hình, cập nhật danh sách đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép.
Đồng thời, tập trung biện pháp nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh , gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm ngặt chế độ báo cáo, đảm bảo kịp thời, đầy đủ số liệu dịch bệnh trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Bình An
Bình luận