Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ bảy, 22/04/2023 12:04
TMO - Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gia vị (hạt tiêu, quế, hồi...) lớn trên thế giới. Với những lợi thế, ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 2 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 76.727 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 235,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 40,5% tương đương 22.112 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 7,3% tương đương 18,5 triệu USD.
Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 18.685 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.369 tấn hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 261,9%. Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022 (theo ITC). Các thị trường nhập khẩu ngành hàng này hàng đầu từ Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Trong những năm qua, ngành gia vị có đóng góp quan trọng trong bức tranh chung kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, ngành hàng này gắn bó với hơn 1 triệu hộ nông dân sản xuất nguồn nguyên liệu. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, vụ mùa Hồ tiêu tại Việt Nam năm 2023 tương đối khả quan, ước sản lượng thu hoạch đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái Tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2023 ước đạt 526 ngàn tấn so với 537,6 ngàn tấn của năm 2022. Sản lượng quế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng so với năm 2022 và ước đạt khoảng 45.000 tấn.
Tuy nhiên, gần đây các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát đối với nông sản nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tình hình thị trường và ngành hàng, nắm rõ quy định của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng như các quy định của nước nhập khẩu là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng. Diễn biến khó lường của biển đổi khí hậu sẽ là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu.
Ngành hàng hồ tiêu, gia vị đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 2 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp vào con số hơn 55 USD tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn năm 2022. Năm 2023, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chế biến sâu sẽ giúp ngành hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Với năng lực chế biến đạt 140.000 tấn/năm như hiện nay, Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng cao hơn tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến hơn nữa so với tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30% như hiện nay.
Việc chuyển dịch từ xuất khẩu hàng nguyên liệu thô sang xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với nhóm hàng nông nghiệp. Việc gia tăng chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hoá sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị để tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu quốc gia của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để ngành phát triển hơn trong tương lai, bên cạnh yêu cầu cần nâng cao tỷ lệ xuất khẩu tiêu đã qua chế biến, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững và đáp ứng được các yêu cầu về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường. Đồng thời, cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng phát triển thị trường như tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết bên cạnh hồ tiêu thì các cây, sản phẩm gia vị khác cũng đang phát triển và vươn mạnh mẽ ra thị trường quốc tế do gia vị đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quốc gia Hồi giáo (chiếm 1/4 dân số thế giới). Theo đánh giá sơ bộ, thực tế phát triển của hồ tiêu và các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ tương ứng với khoảng 50% tiềm năng. Điều đó có nghĩa nếu được quan tâm phát triển đúng mức, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2 - 3 tỷ USD/năm.
Thanh Nga
Bình luận