Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 20/09/2024 15:09
TMO - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra. Việc thu gom, xử lý hiệu quả rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng là nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần giúp các địa phương phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với đặc thù nóng ẩm, mưa nhiều. Ðiều này tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng đồng thời cũng là điều kiện cho những loại sinh vật gây hại sinh sôi nhanh. Cùng với đó, vấn đề thâm canh tăng năng suất và biến đổi khí hậu cũng khiến cho nhiều sinh vật gây hại phát sinh, phá hoại trên diện rộng. Trong những trường hợp nêu trên, nếu không sử dụng thuốc BVTV để phòng, trừ dịch bệnh, ngành nông nghiệp sẽ tổn hại rất lớn.
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho thấy, trong mỗi bao bì đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc BVTV tối thiểu là 2% thể tích. Do đó chai, lọ, bao bì thuốc BVTV được xếp vào diện chất thải rắn độc hại, nguy hiểm. Khi những hóa chất này ngấm vào đất, vào nguồn nước hoặc phát tán trong không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người tiếp xúc.
Trong các lớp tập huấn, cán bộ ngành nông nghiệp thường hướng dẫn người dân cần súc rửa bao bì ít nhất 3 lần theo quy trình và nước súc rửa được đổ vào bình để hạn chế tối đa lượng thuốc tồn lưu, tránh lãng phí thuốc nhưng đa phần nông dân chỉ súc một lần rồi vứt bỏ, kéo theo hoạt chất tồn dư trong bao bì cao. Hoặc sau khi sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng, nhiều người vẫn quen tiện tay vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, nương rẫy hay dưới kênh mương, ao hồ nơi dùng để pha chế thuốc. Chính việc không thu gom để xử lý, hay xử lý không đúng cách đã gây tác hại không nhỏ đến chất lượng môi trường.
Việc thu gom, xử lý hiệu quả rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng là nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Với khoảng trên 80.000ha sản xuất nông nghiệp hằng năm, thuốc BVTV được đánh giá là vật tư quan trọng đối với nền nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, khi nông dân sử dụng đúng liều lượng, quy cách và tuân thủ các biện pháp thu gom rác thải sau sử dụng. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng nhất là tập trung triển khai mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên toàn tỉnh.
Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc chung sức xây dựng môi trường xanh vì sức khỏe của cộng đồng. Toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 66 mô hình, với tổng số 1.849 bồn chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở hơn 50 xã, phường, thị trấn và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên.
Là địa phương đi đầu trong triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV”, từ năm 2021, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đã lên ý tưởng và chỉ đạo các cấp hội nghiên cứu mô hình để triển khai điểm tại một số cơ sở hội. Năm 2022, Hội Nông dân huyện triển khai, nhân rộng mô hình đến các cấp hội trong toàn huyện.
Hằng năm, Hội Nông dân huyện xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, báo cáo Đảng ủy, đề nghị UBND xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc BVTV; phối hợp với hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, thị trấn khảo sát các vị trí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc BVTV trên những cánh đồng được quy hoạch đến năm 2030; thống nhất lựa chọn mẫu bồn chứa phù hợp, có tính ứng dụng cao. Đến nay, 28/28 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường đã lắp đặt 1.175 bể chứa vỏ thuốc BVTV. Trong đó, xã Bình Dương có 96 bể, xã Ngũ Kiên có 88 bể, xã Thượng Trưng có 87 bể…
Tại huyện Yên Lạc, với diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 15.000 ha/năm, lượng thuốc BVTV được các địa phương sử dụng hằng năm cũng là rất lớn. Trước đây, nhiều xã, thị trấn trong huyện cũng đã được xây dựng hệ thống thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật nhưng việc triển khai chưa phát huy hiệu quả.
Từ khi triển khai thí điểm mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại 2 xã Đại Tự và Trung Kiên đã mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất. Từ khi có các bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân đã dần bỏ thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các bờ ruộng, bờ mương, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân đã thay đổi một cách tích cực. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện đã triển khai được 164 bồn chứa. Dự kiến, năm 2024, Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình và lắp đặt thêm khoảng 300 bể chứa, góp phần xây dựng huyện Yên Lạc xanh - sạch - đẹp - văn minh - đáng sống.
Mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV được nhân rộng triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Với những hiệu quả từ việc triển khai mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV, năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình đã được công nhận và nhân rộng thêm 38 mô hình. Đồng thời, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng; thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Riêng với các cấp chính quyền địa phương, cần có trách nhiệm quy định địa điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu theo quy định; thực hiện thu gom bao gói thuộc bảo vệ thực vật sau sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp về quản lý chất thải nguy hại để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thu gom bao gói vào bể chứa đúng cách, đạt hiệu quả.
Cùng với việc chú trọng thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại, tỉnh Vĩnh Phúc xác định trồng trọt hữu cơ là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Địa phương này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sinh thái và sức khỏe nhân dân.
Trong đó, riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực, gồm: Rau, củ, quả an toàn các loại; trồng cây ăn quả như thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, bưởi, cây dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị, tuần hoàn; xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc hữu cho từng vùng, địa phương; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp. cả tỉnh đã hình thành được trên 4.800 ha vùng sản xuất rau an toàn tại 71 xã, phường, thị trấn.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ cho 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt; 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, trong đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả. Nhiều mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ được hình thành, phát triển, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10 ha tại huyện Lập Thạch; mô hình trồng dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch; mô hình trồng rau su su theo hướng hữu cơ tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.
Hướng tới mục tiêu phát triển trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm tưới chủ động cho trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa và 70% diện tích cây trồng trên cạn. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 2%. Đến năm 2050, trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với ngành công nghiệp chế biến nông sản…/.
Thu Hằng
Bình luận