Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 15:01
Thứ sáu, 24/05/2024 07:05
TMO - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện các giải pháp khống chế, dập dịch, không để lây lan diện rộng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi là xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình), xã Minh Hương (huyện Hàm Yên), xã Thượng Nông (huyện Na Hang). Số lượng lợn mắc bệnh tại 3 địa phương này là 122 con của 18 hộ chăn nuôi, tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Toàn bộ lợn mắc bệnh đã được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh theo nội dung các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho người dân về đăng ký, khai báo chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống; dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia súc mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh mới; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Trước nguy cơ lây lan diện rộng của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, dập dịch.
Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đăng ký, khai báo chăn nuôi của từng hộ gia đình theo đúng quy định, hướng dẫn, khai báo với chính quyền, thú y cơ sở khi có gia súc có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với gia súc mới nhập đàn thực hiện tiêm phòng bổ sung ngay nếu đã quá thời gian miễn dịch; điều trị kịp thời các bệnh phát sinh đảm bảo không để bệnh lây lan sang gia súc xung quanh.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí đủ lực lượng tham gia tổ công tác tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ra, vào tỉnh, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả không để mầm bệnh lây lan vào địa bàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật; tổ chức tiêu hủy gia súc không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh ốm, chết theo quy định…
Tại tỉnh Bắc Giang, những ngày gần đây, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Sơn Động xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số xã gồm: Yên Định, An Lạc, Tuấn Đạo, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; trong đó, tại xã Yên Định đã chôn huỷ 35 con lợn ở các thôn Tiên Lý, Khe Táu, Đồng Chu; xã An Lạc đã chôn hủy 3 con; xã Tuấn Đạo đã chôn hủy 7 con; thị trấn Tây Yên Tử chôn hủy 2 con mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang nhận định, dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng với diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn huyện Sơn Động.
Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, các địa phương đã tiến hành khoanh vùng bao vây ổ dịch, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh; tiêu hủy toàn bộ lợn ốm chết theo đúng quy định.
Tại các xã, thị trấn có dịch và vùng bị dịch uy hiếp (các xã tiếp giáp với ổ dịch) thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Các xã, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Sơn Động gồm 5 thành viên. Tổ công tác có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Sơn Động; hướng dẫn khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chôn huỷ lợn mắc bệnh và tổng hợp báo cáo theo quy định
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Động rà soát số lượng lợn, quản lý chặt chẽ đàn lợn chưa mắc bệnh trên địa bàn toàn huyện; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ca bệnh mới để xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân chủ động áp dụng, không bán chạy, không giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Tại tỉnh Bắc Kạn, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lây lan nhanh với hàng chục xã phát hiện những ổ dịch mới. Địa phương này đang khẩn trương phân vùng, phun phòng dịch theo cấp độ. Tính từ đầu năm đến nay, địa phương này đã có gần 200 thôn bản thuộc 56 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện thành phố có dịch. Số lợn mắc bệnh tiêu hủy lên đến hơn 2.400 con, tổng trọng lượng hơn 97 tấn.
UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập các đoàn và tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, thành phố theo quy định và báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra trước ngày 6/6/2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện: kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh để chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng đó, chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật đầu mối tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp kiểm dịch đối với việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đảm bảo đúng quy định.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế ổ dịch mới phát sinh; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường như sông, suối, ao, hồ,... bán lợn ốm cho các tiểu thương, thợ thịt bán ở các chợ làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Tại Bắc Kạn, công tác xử lý, tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh được triển khai đồng bộ, theo hướng dẫn, đảm bảo nguy cơ hạn chế lây lan mầm bệnh.
Tại tỉnh Hòa Bình, ngày 21/5, UBND huyện Đà Bắc ban hành Quyết định số 1711/QĐ-UBND về Công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Tân Pheo và xã Trung Thành, huyện Đà Bắc. Địa bàn xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (Vùng có dịch) đối với loài lợn tại xã Tân Pheo kể từ ngày 10/5/2024; tại xã Trung Thành kể từ ngày 17/5/2024.
Các xã vùng bị dịch uy hiếp: Đoàn Kết, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Tân Minh, Giáp Đắt. Các xã giám sát dịch bệnh: Thị trấn Đà Bắc, Toàn Sơn, Hiền LưTheo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 13 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố trong tỉnh, gồm: Đà Bắc, Kim Bôi, Yên Thủy, Mai Châu, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 472 con, trọng lượng 16.984 kg.
UBND huyện giao: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán hỗ trợ công tác chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trình Ủy ban nhân dân huyện. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chỉ đạo các xã trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát dịch bệnh thực hiện nghiêm Luật Thú y và áp dụng các biện pháp theo quy định về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tập trung cán bộ kỹ thuật, phương tiện, vật tư, hóa chất thú y hỗ trợ địa bàn có dịch, nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch và thực hiện phương án chống dịch. Kịp thời ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng, theo dõi và tổng hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh và hằng ngày báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện các biện pháp thực hiện vệ sinh môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện tiêu hủy đàn lợn đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đặc biệt đối với địa phương đã có dịch, vùng bị uy hiếp và vùng giám sát dịch bệnh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp chống dịch và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác chống dịch trên địa bàn có hiệu quả.../
Ngọc Hà
Bình luận