Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Chủ nhật, 24/03/2024 06:03
TMO - Các nhà khoa học phát hiện rằng nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ khiến chi phí lương thực trên toàn thế giới tăng từ 1,49-1,79 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2035.
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự nóng lên toàn cầu và các đợt nắng nóng dự kiến sẽ khiến giá lương thực và lạm phát gia tăng trên toàn thế giới. Tình trạng thời tiết cực đoan, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt, ngày càng trở nên thường xuyên khi khí hậu ấm hơn. Điều này gây thiệt hại cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm cả nông nghiệp và sản xuất lương thực.
Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) và ECB đã thu thập dữ liệu về giá cả và thời tiết từ 121 quốc gia giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2021. Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng chi phí lương thực trên toàn thế giới. Mức tăng dao động từ 1,49 đến 1,79 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2035.
Nắng nóng trên toàn cầu làm tăng giá lương thực và lạm phát.
Tác động của sự nóng lên toàn cầu và nhiệt độ cực đoan trong tương lai đối với lạm phát nằm trong khoảng từ 0,76 đến 0,91 điểm phần trăm. Tác động lên giá lương thực và lạm phát do hiện tượng nóng lên trong tương lai sẽ được cảm nhận rõ nhất ở “các khu vực vốn đã nóng hơn”, đặc biệt tại những khu vực nghèo và đang phát triển trên thế giới.
Châu Phi và Nam Mỹ sẽ là những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bắc bán cầu cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng này do khí hậu khắc nghiệt. Bắc bán cầu chịu tác động chủ yếu vào mùa hè nhưng phần còn lại của thế giới sẽ chịu tác động trong cả năm. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tác động đáng kể đến các chi phí khác của hộ gia đình, ngoại trừ giá điện. Điều này nhất quán với các nghiên cứu khác chứng minh mức độ nhạy cảm đặc biệt của nông nghiệp trước các cú sốc khí hậu.
Thu Hoài
Bình luận