Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Thứ sáu, 14/04/2023 12:04
TMO - Báo cáo Đánh giá Điện năng toàn cầu thường niên cho thấy, điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 12% trong tổng sản lượng điện toàn cầu năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 10% ghi nhận trong năm 2021.
Báo cáo đánh giá điện toàn cầu thường niên do Tổ chức Tư vấn khí hậu độc lập Ember công bố tổng hợp dữ liệu ngành điện của 78 quốc gia - chiếm tới 93% nhu cầu sử dụng điện toàn cầu. Theo đó, các nguồn năng lượng tái tạo và điện hạt nhân cộng lại chiếm 39% trong sản lượng điện toàn cầu năm ngoái, một mức cao kỷ lục mới.
Riêng năng lượng mặt trời tăng 24% và năng lượng gió tăng 17% so với năm 2021. Mức tăng hai dạng năng lượng tái tạo này trong năm 2022 đáp ứng được 80% mức tăng nhu cầu điện toàn cầu. Dự báo từ năm 2023 này, điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới với việc giảm sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm lượng khí thải của ngành điện.
Năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản lượng điện toàn cầu.
Dữ liệu cho thấy, hơn 60 quốc gia hiện có sản lượng điện gió và điện mặt trời chiếm trên 10% tổng sản lượng điện của họ. Sự tăng trưởng trong sản xuất điện gió và điện mặt trời năm 2022 đã đáp ứng 80% mức tăng nhu cầu điện năng toàn cầu. Điều này đã hạn chế mức tăng sản lượng điện than (chỉ tăng 1,1%), bất chấp cuộc khủng hoảng khí đốt và nguy cơ tăng cường sử dụng trở lại than đá. Sản lượng điện khí giảm rất nhẹ (giảm 0,2%) vào năm 2022.
Theo mô hình của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành điện cần chuyển từ ngành phát thải cao nhất thành ngành đầu tiên đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, để giúp toàn bộ nền kinh tế thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều này có nghĩa là sản lượng điện gió và điện mặt trời cần chiếm 41% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030, so với 12% vào năm 2022. Trong thập kỷ này, lượng phát thải cần giảm trung bình 7,6%/năm.
Minh Vân
Bình luận