Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 22/08/2022 07:08
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, đến nay, các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã góp phần rất quan trọng trong cấp nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, hiện nay địa bàn tỉnh có 62 hồ, đập lớn nhỏ, đã sử dụng từ 15-20 năm, nhưng chưa được duy tu, sửa chữa. Qua kiểm tra, đánh giá, một số hồ chứa đã xuống cấp, không an toàn; trong đó, có hai hồ chứa đã bị thấm thân đập, cần nâng cấp là NT2 Đ7 (huyện Bù Gia Mập) và Ông Thoại (huyện Bù Đăng). Bên cạnh đó, 10 hồ chứa khác đang hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp.
Một số công trình đã xuống cấp, mái đập bị xói lở, sạt, trượt; thân đập xuất hiện nhiều vết thấm lớn; mặt đập xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi gây cản trở giao thông đi lại trong vùng; lòng hồ bị bồi lắng, không đảm bảo dung tích phục vụ trong mùa khô hàng năm, không đảm bảo an toàn khi tích nước trong mùa mưa lũ.
Đập thủy lợi Phước Hòa đoạn qua huyện Chơn Thành của tỉnh Bình Phước giữ vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc tuyên truyền, vận động để thực hiện dự án cũng như bảo vệ công trình còn gặp nhiều khó khăn; lấn chiếm vẫn còn xảy ra và chưa có giải pháp xử lý triệt để; quản lý chưa được chú trọng….
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hàng năm việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn được Sở phối hợp với các đơn vị quản lý công trình tiến hành kiểm tra các hồ, đập, công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, xem xét đầu tư sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa các công trình không đảm bảo dung tích phục vụ tưới, cấp nước trong mùa khô hàng năm và tiềm ấn nguy cơ không đảm bảo an toàn công trình khi tích nước trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, các ngành và địa phương thực hiện tốt các quy định pháp luật về thủy lợi; thực hiện các hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền, phố biến pháp luật, cơ chế, chính sách; thay đối thói quen, hành vi lạc hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, môi trường nông thôn; hướng dẫn người dân chủ động tích, trữ nước trong mùa khô hạn, ngập lụt...
Vừa qua, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, làm việc tại tỉnh Bình Phước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bình Phước kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cấp phát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng tham gia để nâng cao năng lực ứng phó trước tình hình thiên tai ngày càng có chiều hướng phức tạp, bất thường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí cho Bình Phước đầu tư sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 178 tỷ đồng.
Cùng với vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi còn phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt đề án nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.
Việc nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo lượng nước cho sinh hoạt và sản xuất (Ảnh minh họa)
UBND tỉnh Bình Phước cho biết mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh, việc mở rộng các tuyến ống truyền tải cấp nước trên địa bàn, nhằm từng bước hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung, hỗ trợ để cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng. Bên cạnh, việc mở rộng các tuyến ống truyền tải cấp nước trên địa bàn, nhằm từng bước hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung, hỗ trợ để cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đầu tư xây mới 12 công trình thủy lợi, trong đó có 4 dự án được bố trí nguồn vốn từ Trung ương và vốn vay ODA, 8 dự án do tỉnh Bình Phước bố trí vốn. Giai đoạn 2026 – 2030 đầu tư xây dựng mới 6 dự án và 17 công trình nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả của công trình. Giai đoạn này tỉnh đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với công trình cấp nước, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước đầu tư mới và nâng công suất 19 công trình nhà máy nước chính với tổng công suất thiết kế 473.400 m3/ngày đêm; công suất cấp nước thực đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm. Đến giai đoạn 2025-2030, nâng công suất tổng thiết kế lên 722.900 m3/ngày đêm, công suất cấp nước thực đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm. Đồng thời, đấu nối mở rộng các tuyến ống của các nhà máy nước hiện hữu.
Nguồn vốn thực hiện sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn vay và vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước. Trong đó, khoảng hơn 6.680 tỷ đồng thực hiện đề án đối với cả hai giai đoạn trên là nguồn vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước.
Minh Thoa
Bình luận