Hotline: 0941068156
Thứ hai, 03/02/2025 02:02
Thứ sáu, 08/12/2023 14:12
TMO - Tỉnh Quảng Nam xác định, mô hình kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, đồng thời là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, tính đến đầu tháng 11/2023 trên địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 625 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó, có 408 HTXNN, 33 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 131 HTX thương mại - dịch vụ... Theo ước tính, bình quân hằng năm tổng doanh thu của một HTX đạt gần 1,24 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân đạt 550 triệu đồng/HTX/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 90 HTX có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 125 sản phẩm được công nhận 3 sao và 4 sao.
Thời gian qua, mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX là nhân tố quan trọng trong quá trình thúc đẩy xây dựng miền núi. Đáng chú ý, mô hình này góp phần tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã thành lập một số mô hình kinh tế tập thể, được chính quyền các cấp tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nhiều HTX nông nghiệp đứng ra làm khâu trung gian cho doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao. Ảnh: NS.
Từ việc liên kết sản xuất theo kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời như tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, HTX trồng rau an toàn, HTX ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên. Phần lớn sản phẩm OCOP của các HTX ở Quảng Nam đều được đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến trên dây chuyên thiết bị hiện đại từ yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, hoạt động được nâng cao với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực miền núi.
Từ thành công bước đầu, chính quyền các cấp đã tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững và hướng tới cộng đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, như việc khoanh vùng trồng dược liệu.
Quảng Nam có 9 huyện miền núi với các điều kiện tự nhiên, xã hội đặc thù phù hợp với phát triển HTX. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, ở 9 huyện miền núi hiện có 177 HTX (nhiều nhất là huyện Tiên Phước có 55 HTX, ít nhất là huyện Phước Sơn có 4 HTX). Tại huyện Tiên Phước, HTX đã liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu, thu mua và chế biến, sơ chế các đặc sản tiêu, rượu lòn bon, trầm hương. Hay các HTX ở vùng cao Tây Giang đã liên kết với người dân để trồng, chế biến các sản phẩm đặc trưng nức tiếng như đẳng sâm, sâm ba kích, táo mèo, sa nhân, mật ong… góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định, trường hợp HTX đủ điều kiện vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Nếu tại một thời điểm, với cùng một nội dung hỗ trợ có những chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì các HTX được lựa chọn chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Nguồn ngân sách thực hiện bao gồm cả nguồn Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh, trong đó để thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh, trong đó có 46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Bên cạnh những thành quả, kinh tế tập thể tại các khu vực miền núi Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn về vốn đang là điểm nghẽn tại nhiều HTX hiện nay và cần những chính sách phù hợp tạo cơ hội để HTX phát triển bền vững. Sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khiến việc đáp ứng điều kiện vay vốn tại HTX đã khó càng thêm khó. Tình trạng HTX gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.
Ngoài ra, một số HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Vẫn còn một số HTX tồn tại hình thức, hoạt động yếu kém, không hiệu quả, chưa đảm bảo theo đúng Luật HTX.
Từ kênh vốn hỗ trợ, những năm qua nhiều HTX, tổ hợp tác có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, phát triển mạnh sản xuất - kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 106 (ngày 18/7/2023) của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá. Xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX điển hình hoạt động hiệu quả với doanh thu bình quân mỗi năm của một đơn vị đạt từ 5 tỷ đồng trở lên. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%/năm; doanh thu tăng ít nhất 5%/năm; khoảng 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hơn 30% chủ thể là HTX có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP...
Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác. Phấn đấu số lượng hợp tác xã mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, hoạt động hiệu quả, thiết thực, có liên kết
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, thời gian tới Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, đáp ứng mục tiêu cụ thể đã được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW là đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 02 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 08 triệu thành viên tham gia.
Hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng. Các hợp tác xã cần nhanh chóng, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vào các khâu sản xuất, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bùi Minh
Bình luận