Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ hai, 24/04/2023 11:04
TMO - Phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất hàng hóa là mục tiêu được tỉnh Lào Cai xác định, nhằm cụ thể hóa chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030.
Toàn tỉnh Lào Cai có hơn 2.250 ha ao, hồ nhỏ nuôi thủy sản, hơn 57.000m3 bể nuôi cá nước lạnh, gần 500 lồng bè nuôi cá trên sông, hồ. Năm 2022, số lượng giống thủy sản sản xuất năm 2022 đạt 25 triệu con. Trong đó, sản xuất giống tại các Trại giống thủy sản của nhà nước đạt khoảng 8 triệu con giống các loại, chiếm 32% lượng giống của cả tỉnh. Còn lại giống thủy sản được sản xuất tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh,…
Trong năm 2022, sản lượng thủy sản các loại của Lào Cai đạt 11.200 tấn. Trong đó, nuôi thủy sản ao hồ nhỏ với diện tích hiện có 2.250 ha; năng suất đạt 4,25 tấn/ha; sản lượng cả năm đạt 9.580 tấn. Về nuôi cá nước lạnh, thể tích hiện đạt 75.000 m3, tập trung tại các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà nhưng tập trung chủ yếu ở 2 huyện Sa Pa, Bát Xát; năng suất đạt 11,3 kg/m3; sản lượng năm 2022 đạt khoảng 850 tấn. Về nuôi cá hồ chứa, mặt nước lớn, diện tích hiện đang nuôi 304 ha; sản lượng đạt 280 tấn. Nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa với số lượng lồng nuôi hiện có 568 lồng; thể tích nuôi hiện có 16.200 m3; năng suất nuôi đạt 19 kg/m3; sản lượng đạt 330 tấn.
Địa phương này đặc biệt chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất, giá trị đối với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, bước sang năm 2023, địa phương phấn đấu diện tích nuôi trong ao hồ nhỏ đạt 2.300 ha; nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3, cá lồng bè đạt 16.600 m3. Sản lượng thủy sản năm 2023 phấn đấu đạt 12.200 tấn, trong đó: ao hồ nhỏ đạt 10.420 tấn, cá nước lạnh 900 tấn, cá lồng bè 350 tấn, nuôi mặt nước lớn 300 tấn,… Đồng thời, sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn tỉnh đạt trên 25 triệu con thủy sản các loại.
Theo Kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh Lào Cai sẽ phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi phương thức nuôi bán thâm canh, thâm canh sang nuôi thâm canh, thâm canh cao.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, địa phương này đặt mục tiêu đặt ra là diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.400 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 17.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 13.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 12.550 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 950 tấn). Tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 70% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 10% sản lượng thủy sản.
Giai đoạn 2026 - 2030 nâng diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.650 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 95.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 18.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 16.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 15.150 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.350 tấn). Giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 75% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% sản lượng thủy sản.
Việc kiểm soát chất lượng nuôi trồng ngay tại các diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản nhỏ được ngành chức năng địa phương thực hiện.
Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng thủy sản đang đặt ra những thách thức trong khâu chế biến, bảo quản, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, cho nên có những thời điểm khó tiêu thụ, giá thành thấp.
Để khắc phục những bất cập trên, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết ngành chức năng sẽ hình thành và phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản đặc sản và sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phát triển các sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến gắn với phát triển du lịch; tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ công nghệ cho tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, sơ chế chế biến thủy sản đặc sản và lợi thế tại địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý sản xuất dưới hình thức các hội hoặc tổ hợp tác nhằm hoạch định kế hoạch chung, quản lý môi trường và nguồn nước chung, hỗ trợ trong huy động vốn, trao đổi công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, các thông tin thị trường.
Thu Thủy
Bình luận